Bệnh nhân là một bà cụ khoảng 80 tuổi, đang điều trị bệnh viêm phổi. Bệnh sử của bà còn nhiều thứ nữa, trong đó có bệnh đãng trí (dementia). Bà ở phòng riêng, mọi tiếp xúc phải được bảo vệ bằng áo bảo hộ y tế và găng tay.
Tôi được phân công chăm sóc bà. Bà không biết mình đang ở bệnh viện, cứ tìm cách trèo khỏi giường (loại giường có thanh rào hai bên) và đòi về nhà. Thỉnh thoảng bà lại gọi: “Brian, Brian, con đâu rồi”. Tiếng gọi không phải tiếng kêu khóc mà là giọng của một bà mẹ trẻ gọi đứa con 3-4 tuổi đang nấp trốn ở đâu đó. Tôi chưa gặp con trai bà, chắc ông cũng chẳng còn trẻ và bà chắc cũng đã có cháu và chắt.
Bà ăn sáng xong không chịu tắm rửa và cứ nằng nặc đòi về nhà. Tôi đành cho bà ngồi vào xe đẩy và đưa bà ra ngoài hành lang, chỉ cho bà cái bảng hiệu viết bằng bút lông có hàng chữ “bến xe buýt” ngay trước cửa phòng của bà và giải thích rằng mình phải đợi xe buýt ở đây để về nhà. Cái bảng hiệu tức cười này là ý tưởng của các cô điều dưỡng dành cho bệnh nhân lãng trí chỉ đòi về nhà như bà.
Bà cũng chẳng yên được bao lâu. Có người bảo tôi: “Hôm qua họ đưa bà xuống hồ cá chơi đấy”. Đấy là cái hồ nhỏ, ven khu sân chơi ở tầng trệt, ngoài trời. Tôi đưa bà đi. Bà có vẻ phấn khởi hẳn ra. Ra ngoài, trời lạnh, tôi chỉ phong phanh cái áo đồng phục và bà cũng không quan tâm gì đến mấy con vịt giời đang bơi lội trên hồ nên khi tôi đề nghị vào nhà, bà đồng ý ngay. Bà chỉ tay bảo tôi đưa ra cửa chính của tòa nhà. Tôi yên tâm đưa bà đi cho thay đổi không khí, tin rằng mình có thể kiểm soát được tình thế.
Ra gần cửa chính bà giục tôi đẩy xe nhanh lên kẻo trễ xe buýt, đang đỗ đầy trước cửa bệnh viện. Tôi giải thích rằng ra ngoài trời lạnh, bà chưa khỏe hẳn, bác sĩ chưa cho về... Bà nổi khùng lên giơ tay tìm cách đập tôi và la ầm ĩ: “Nhanh lên, nhanh lên, trễ xe mất thôi”. Mấy người xung quanh đứng lại nhìn. Cô tiếp tân biết tôi cần giúp đỡ liền gọi bảo vệ. Hai người bảo vệ trẻ to lớn mặc đồng phục trắng có phù hiệu rất oai không biết từ đâu có mặt chỉ sau vài phút. Tôi nói vắn tắt bà bị lẫn, cần đưa bà về phòng trên lầu 6. Người bảo vệ trẻ ngồi xuống, đối diện với tầm mắt của bà rồi ôn tồn giải thích rằng anh sẽ đưa bà về nhà nhưng trước hết phải gặp bác sĩ. Bà yên lặng nghe anh. Bà không tin tôi nữa vì tôi không đưa bà về nhà. Tôi đành ra hiệu cho người bảo vệ thứ hai đẩy xe rồi tôi lặng lẽ theo sau...
Về lại hành lang quen thuộc, thấy bà cũng bình tâm lại, tôi cảm ơn bảo vệ rồi nhận lại xe đẩy. Trông bà lúc này bình thản, chẳng còn vẻ hung hăng của mười phút trước. Nhưng không hẳn thế, bà trông tội nghiệp, đôi mắt buồn mọng nước, rưng rưng... Tôi hỏi bà, liệu tôi có thể giúp gì không, bà nói: “Tôi muốn gặp con trai!". Tôi biết làm sao? Các con trai của các bà mẹ ơi, các anh có biết rằng anh là của quý nhất của mẹ trên đời, là mục đích sống, là niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần của mẹ?
Chúng tôi lại ngồi ở hành lang ngắm người qua lại. Một cô điều dưỡng trong khoa đi qua mỉm cười chào bà. Cô dừng lại, khoác thêm áo bảo hiểm y tế, đeo găng tay và ôm lấy bà, vỗ về bà và nói: “Cháu biết bà cần được ôm thế này”. Bà bác sĩ đi qua nhìn thấy nói ngay: “Cháu sẽ viết thêm vào bảng thuốc điều trị a hug a day (mỗi ngày được ôm một lần)”. Chúng tôi mỉm cười vui vẻ. Cô điều dưỡng nói thêm: “Hôm nay cháu sẽ cho bà được ôm quá liều” rồi lại ôm lấy bà, xoa nhẹ vai và lưng bà cả phút đồng hồ. Tôi không cười được nữa, lần này tôi muốn khóc.
Dù thiện chí bao nhiêu, tôi cũng chẳng làm được như cô điều dưỡng kia. Cô chỉ là một điều dưỡng đi qua chỗ tôi, hôm nay tôi chăm sóc bà, không phải trách nhiệm của cô ấy. Tôi đã chỉ có thể nắm tay bệnh nhân nói lời an ủi, nhưng chưa bao giờ chia sẻ với họ những cái ôm cảm thông diệu kỳ như vậy.
Vậy mà tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác ngày tôi bé tí, chắc 3-4 tuổi, buổi tối, tôi nghịch ngợm rồi thường chui vào đâu đó ngủ, cho đến khi bố tôi đi họp về (ông là chủ nhiệm hợp tác xã và thường đi họp vào buổi tối) ôm tôi bế lên giường ngủ. Thường là tôi mơ màng thức dậy vào lúc đó, cảm thấy bồng bềnh, êm ấm trong vòng tay của bố rồi lại ngủ mất. Bố thì khuất lâu rồi, con gái bố đầu hai thứ tóc vẫn khóc nhớ ngày trong vòng tay bố.
A hug a day - thế giới này cần được bổ sung thêm liều điều trị hữu hiệu này. Nó không mất tiền mua, tiện lợi mà không sợ quá liều hay tác dụng phụ.
Nguyễn Thị Nhuận