Theo bạn đọc Bùi Hiển, đáp ứng thị hiếu sợ đồ tẩm hóa chất của người dân, một số nơi đã dán nhãn mác "nhà trồng để ăn", "nhà làm để dùng"... để tạo vỏ bọc tin tưởng. Nhưng, làm sao con người chỉ ăn một loại thực phẩm, dù rằng nó sạch?

1 Muon Loai Bo Thuc Pham Ban Nen Bo Ngay Cach Suy Nghi Do Sach Nha Trong De An

Tranh - Tư liệu TTO

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết dưới đây tham dự diễn đàn an toàn thực phẩm.

Hôm rồi, một người em con ông chú ở quận 12 đến nhà tôi chơi cho một bịch rau muống khá to và nói rau này "nhà trồng để ăn". Thú thật, đã lâu rồi gia đình tôi không dám ăn rau muống mua ngoài chợ vì sợ rau không "sạch", nên nhận được bịch rau muống "nhà trồng để ăn", tôi quý hơn cả thịt cá.

Tôi đã chia bịch rau muống thành những bó nhỏ đủ để gia đình ăn trong một bữa, rồi lấy báo cũ bọc lại bỏ ngăn mát tủ lạnh ăn dần trong cả tuần. 

Nghe tôi nói chuyện về rau muống "nhà trồng để ăn", một người hàng xóm có cha mẹ đang ở thành phố Vũng Tàu nói: "Mẹ con thường mua rau củ, cá của người quen rồi đem chế biến gửi cho các con cháu ở TP.HCM ăn. Mà việc mua đồ sạch này cũng tốn công lắm, bởi chọn được món này sạch, làm sao dám chắc món kia không tẩm hóa chất". 

Một số người còn tiết lộ một thông tin động trời khác: đáp ứng thị hiếu dùng đồ quê, dùng đồ sạch, một số nơi đã dán nhãn mác "nhà trồng để ăn", "nhà làm để dùng"... nhưng thực tế là: "nhà làm để nhà chia lại, chứ nhà không ăn'!

Do đó, ngay người ở cùng quê cũng mù mờ sạch bẩn, chủ yếu dựa vào lòng tin nên mua về chế biến "viện trợ" cho con cháu ở thành phố. Và thế là... "dính chấu"!

Sau vụ đó, tôi và gia đình có nghĩ khác và có cách làm khác: đó là không nhận hàng "viện trợ" ở quê và cũng không mua hàng rong, hàng không nhãn mác, không xuất xứ. 

Tôi làm như vậy là vì con người không chỉ ăn uống một vài loại thực phẩm, mà phải đa dạng thức ăn và không ai có thể "tự cung, tự cấp" tất cả các loại thực phẩm. Hôm nay họ có thể ăn rau muống nhà trồng, nhưng ngày mai họ phải ăn các loại rau hoặc thực phẩm khác, do người khác trồng, vậy có được "sạch" không? 

Theo tôi, ngoài cách lựa chọn "thông minh" của người tiêu dùng là không mua hàng rong, không nhận hàng không rõ xuất xứ (dù là biếu, tặng) để tự bảo vệ mình, ngành quản lý chức năng cần thường xuyên kiểm tra xử phạt thật nặng các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có hại cho sức khỏe.

Trường hợp đặc biệt như tẩm ướp hóa chất làm giả thịt heo nái thành thịt bò, ngâm rau muống chẻ trong hóa chất độc hại, làm giá đỗ bằng hóa chất độc hại hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng các chất độc hại… nên xử lý hình sự vì đó là những kẻ giết người thầm lặng. 

Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, trong năm 2018, nước ta có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người đang phải chung sống với căn bệnh này. 

Ngoài gia tăng bệnh ung thư, tôi thấy các loại bệnh khác cũng gia tăng nên khi tới bệnh viện tuyến quận cũng thấy rất đông người đến khám, chữa bệnh. 

Thiết nghĩ với suy nghĩ và cách làm: "rau nhà trồng để ăn", còn rau "không sạch" để người khác ăn, như vậy sẽ có người khác hại lại mình vì không ai có thể tự cung tự cấp được. 

Hằng ngày đối diện với thực phẩm độc hại đang bủa vây bữa ăn của mình và gia đình, bạn muốn góp ý gì để giải quyết tận gốc vấn nạn này?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC