Tết Nguyên Đán có một giá trị tinh thần rất lớn, ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong gia đình và cả cộng đồng mà ta có thể gọi chung là một giá trị truyền thống của Văn hoá gia đình Việt Nam. 

action 1822695 640Từ những phong tục tập quán đậm đặc trong mấy ngày Tết diễn ra trong các gia đình, tạo thành nếp nhà, làm nên một giá trị tâm linh của văn hoá gia đình, làm sống dậy trong mỗi con người mối giao cảm thiêng liêng với Trời, Đất, với cõi thiêng, trong tình cảm đầm ấm với những người ruột thịt thân yêu nhất.

Dường như trong vui vẻ, sum vầy, đầm ấm của ngày Tết, mỗi người trở lên rộng lượng, bao dung, hướng tới những điều Thiện, điều Lành nhiều hơn.

Con người ai cũng tốt muốn sống tốt hơn và mong mỏi cho người khác cũng tốt hơn, đẹp hơn.

Trong năm mới, chúng ta thường chúc nhau “Năm mới vạn sự tốt lành”, hay “Năm mới an khang thịnh vượng”…

Đó là những lời chúc xuất phát từ cái tâm lương thiện, vừa chân thật, vừa đượm tình người trong thời khắc thật thiêng liêng và đặc biệt.

Nhất là sau một năm lao động vất vả và tích luỹ vật chất, những ngày Tết cũng là dịp để mọi người nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng sức khoẻ, thăm hỏi lẫn nhau và vui chơi giải trí. Có những nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng bữa ăn của Việt là một tổ hợp văn hoá, đặc biệt là trong những bữa ăn ngày Tết, sắc thái văn hoá càng rõ nét và sâu đậm.

Có những món ăn trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành những giá trị văn hoá Việt không gì có thể thay thế như: bánh chưng, bánh dày, nem. v.v... Ngày Tết, cùng quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ để cúng gia tiên, sau đó cùng vui vầy ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong hương thơm của hương trầm, của bánh chưng thật khó có niềm vui nào sánh được.

Và điều không thể không nhắc đến mỗi khi Tết đến, xuân về, mà bất cứ ai cũng đều nhớ câu thành ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.

Sau khi Tết bên nội, bên ngoại, mỗi người thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo với tinh thần tôn sư trọng đạo, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy - để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng tri thức.

Hay tục xin chữ hay khai bút đầu xuân cũng là một nét đẹp mà người Việt thường duy trì để nhắc nhở người ta luôn trọng chữ, hiếu học.

Rồi tục chúc thọ người cao tuổi, mừng tuổi cho trẻ em, tắm bằng lá mùi già vào ngày 30 Tết để cho người thanh sạch.v.v. đó là nét văn hóa nên giữ gìn trong nhịp sống hiện đại…

Đúng là những phong tục ngày Tết thật tuyệt vời làm sao!

Ấy vậy mà trong những năm gần đây, không ít nơi lại đang có những hiện tượng chưa đẹp trong ngày Tết, không chỉ đang làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Nguyên đán, mà còn gây ra những hệ lụy, gây nhiều hậu quả xấu cho xã hội.

Như một số lợi dụng những phong tục truyền thống, giá trị văn hoá tâm linh của dân tộc biến thành những hủ tục mê tín dị đoan; nạn biếu xén, hối lộ, rồi đến việc lợi dụng người tiêu dùng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng thu lợi bất chính; hay những hủ tục đốn cây, bẻ cành….

Đáng nói là một số sa đà vào cờ bạc, rượu chè, thậm chí đốt pháo, đua xe, gây mất trật tự công cộng.

Vì vậy hơn lúc nào hết khi điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, của chu kỳ vận hành đất trời, vạn vật cỏ cây đang đến gần, chính là lúc mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi địa phương trân trọng giữ gìn và phát huy những phong tục đẹp trong ngày Tết bằng việc xây dựng kế hoạch để cùng chung tay gìn giữ những giá trị văn hoá tâm linh, suy nghĩ và hành động thể hiện tâm Lành, hướng Thiện.

Để không chỉ xây dựng những giá trị văn hoá tốt đẹp trong dịp Tết, cho ngày Tết càng nhiều ý nghĩa, nhiều niềm vui xuân mới tròn đầy… mà còn nhân lên những phong tục tốt đẹp trong những ngày Tết đã được trao truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay.

Minh Tư - DANTRI




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC