2/3 người giàu Việt Nam hiện nay làm giàu từ đất đai, bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản.
Thời gian qua, người giàu Việt Nam làm giàu chủ yếu từ đất đai, bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản, sau đó mới đến tài chính, ngân hàng, dịch vụ, còn khoa học công nghệ rất ít, đứng cuối bảng.
Trong thời gian đi lấy tài liệu để viết cuốn sách Ai là người giàu nhất Việt Nam? (NXB Thanh Niên ấn hành), tôi đã tìm hiểu, so sánh cách thức làm giàu và xuất xứ của những người giàu ở nước ta với các nước phát triển trên thế giới.
Theo con số thông kê trên sàn chứng khoán của 30 người giàu nhất Việt Nam hiện nay thì có 26% làm giàu từ đất đai, từ bất động sản.
Nếu tính cả những người giàu chưa lên sàn, nếu tính đủ, tính hết chắc rằng con số này tăng lên rất nhiều, có lẽ gần 2/3 người giàu Việt Nam hiện nay làm giàu từ đất đai, bất động sản.
Như vậy, thời gian qua, những người giàu Việt Nam làm giàu chủ yếu từ đất đai, bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản, sau đó mới đến tài chính, ngân hàng, dịch vụ, còn khoa học công nghệ rất ít, đứng cuối bảng.
Trong khi đó, tại diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức (Davos, Thụy Sỹ) diễn ra cách đây chưa lâu, người ta thống kê những người giàu và siêu giàu trên thế giới được phân bổ như sau:
Những người giàu và siêu giàu từ công nghệ, viễn thông chiếm nhiều nhất, tiếp đến là bán lẻ, tài chính, đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản, còn từ bất động sản rất ít, coi như không đáng kể.
Sự so sánh cho ta thấy điều gì?
Có thể thấy xu hướng làm giàu trên thế giới hiện nay và tương lai là khoa học, công nghệ, đúng hơn là từ chất xám, là phát huy trí tuệ của con người, chất xám của con người.
Con người ngày càng phát triển, còn đất đai tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, ngày càng khai thác cạn kiệt.
Điều này còn nói lên vấn đề rất quan trọng, đó là thế giới ngày nay hướng vào sự phát triển kinh tế bền vững.
Còn ở ta lâu nay phát triển kinh tế còn thiếu bền vững, còn nhiều hiện tượng “ăn xổi, ở thì”, kiểu “mì ăn liền” đã dẫn đến những đổ vỡ như “bong bóng bất động sản” thời gian qua.
Hãy thử nhìn vào mười tên tuổi người siêu giàu từ công nghệ viễn thông hiện nay.
Người giàu nhất thế giới là Bill Gates, ông chủ của Microsoft, với tài sản hiện nay là 89,4 tỷ USD, tuy có lúc thăng trầm nhưng rồi vẫn là người giàu nhất thế giới.
Người giàu nhất Trung Quốc là Jack Ma với hãng Alibaba nổi tiếng có tài sản 26 tỷ USD năm nay mới 51 tuổi.
Còn Mark Zuckerberg ông chủ Facebook (Mỹ) năm nay 31 tuổi đã có số tài sản khồng lồ 46,2 tỷ USD.
Ông chủ của Google là Sergey Brin 42 tuổi cũng có khối tài khủng 36 tỷ USD...
Chúng ta thường nói người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó.
Qua các cuộc thi học sinh giỏi toán, lý, hóa, sinh... quốc tế, nhiều học sinh Việt Nam đã giành giải vàng, đoàn học sinh giỏi Việt Nam không thua kém gì nhiều nước phát triển trên thế giới.
Với những tiềm năng về trí tuệ, chất xám trong giới trẻ, nếu chúng ta có hướng đi đúng để tuổi trẻ có những lựa chọn kịp thời trên con đường lập nghiệp, đi vào con đường mà thế giới văn minh đang đi, ắt sẽ thành công.
Chưa bao giờ ở nước ta phong trào lập nghiệp được quan tâm, khuyến khích như bây giờ.
Mỗi người trẻ trên con đường lập nghiệp có muôn vàn lựa chọn, cách đến, cách đi.
Nhưng chỉ có đi vào con đường tự lực, tự cường, biết phát huy tiềm năng vô tận là trí tuệ, tri thức, chất xám của chính mình, của người Việt và toàn nhân loại thì sự khởi nghiệp mới thực sự thành công, lâu dài và bền vững.
Nguồn: DƯƠNG XUÂN NAM
VIETNAMNET