Bóng đá là một cuộc chơi tâm lý rất lớn. Chiến thắng một phần đến từ việc biết mình biết người, giữ niềm tin và tinh thần quả cảm nhưng không rơi vào tự tin thái quá, cũng như trong kinh doanh vậy.

Người hâm mộ U23 Việt Nam, đừng tự tin thái quá! - 0

Hậu vệ Văn Thanh khoanh tay ngạo nghễ trước chấm phạt đền, kiềm chế cảm xúc thật xuất sắc. U23 Việt Nam vào chung kết, đúng như câu chuyện cổ tích.

Phút 39, hiệp 1, trọng tài Singapore Muhammad Taqi thổi phạt đền khi trung vệ Bùi Tiến Dũng va chạm với tiền đạo số 19 trong vòng 16m50, nhiều người hâm mộ gào lên “Trời ơi!”.

Sau đó Phan Văn Đức bị số 18 đội bạn đốn ngã ngoài khu cấm địa, trọng tài Taqi cũng làm lơ như không thấy.

Họ quá thất vọng, bẽ bàng, oán trách ông trọng tài mang quốc tịch Singapore này. Trước đó, sau khi nghe AFC chỉ định Taqi thổi trận bán kết VN – Qatar, Facebook và báo mạng tràn ngập lời bình luận có lợi cho Việt Nam vì cho rằng Taqi là người Singapore, cùng Đông Nam Á sẽ không bất lợi cho chúng ta.

Đó là suy luận theo kiểu confirmation bias, mà ta hay gọi là thiên kiến xác nhận.

Đây là một tâm lý thích suy diễn có lợi cho một niềm tin, một sự việc mà mình tin là đúng. 

Confirmation bias còn một hiệu ứng nữa đáng lo hơn là từ chối thu thập thông tin không có lợi, hoặc làm xấu đi niềm tin đang có. Trong khi đó lại tạo ra khuynh hướng thích thu thập thông tin có lợi cho niềm tin.

Một ông giám đốc công ty gà rán muốn mở chi nhánh ở một thành phố vì tình cờ nhìn thấy một nhà hàng gà rán ở đó vào một ngày khá đông khách.

Ông bèn lân la hỏi chuyện những thực khách ở nhà hàng đó. Họ nói họ rất mê gà rán. Sau đó, ông tiếp tục thu thập số liệu ở khu vực đó, nhưng lại chủ yếu tập trung vào sự giới thiệu của những thực khách mê gà rán.

Trợ lý của ông đưa thông tin về những nhà hàng gà rán gần đó ế ẩm và nhóm người không thích ăn gà rán ở đó, ông giám đốc không nghe, cho rằng trợ lý đã lấy mẫu sai.

Ông tiếp tục thu thập những thông tin có lợi cho niềm tin của mình mà bỏ qua những thông tin bất lợi. Cuối cùng nhà hàng cũng được mở đúng ba tháng, sau đó đóng cửa.

Ông giám đốc này không những bị confirmation bias mà còn chịu tác động của hiệu ứng đà điểu (Ostriches effect – con đà điểu hay vùi đầu vào cát để tránh nguy hiểm).

Người hâm mộ U23 Việt Nam, đừng tự tin thái quá! - 1

U23 Việt Nam đang trên đà của một câu chuyện cổ tích mà kết thế nào cũng có hậu. Ảnh: Đinh Tuấn.

Người hâm mộ U23 Việt Nam và báo chí cũng tràn ngập thông tin tích cực. Tất nhiên, không ai lại đăng thông tin bất lợi để làm nản lòng chiến sĩ vào lúc này.

Kể cả đối thủ Uzbekistan cũng bị người hâm mộ đánh giá không “có gì đáng ngại” – trong khi họ đã tàn sát hai đại ca Đông Á là Nhật và Hàn và đã từng thắng U23 Việt Nam cách đây không lâu. Confirmation bias đã khiến thông tin về Uzbekistan không được xem xét kỹ càng.

Tất nhiên, tôi mong ban huấn luyện sẽ loại bỏ được confirmation bias hay ostriches effect khi phân tích đối thủ Uzbekistan cặn kẽ.

Bóng đá là một cuộc chơi tâm lý rất lớn, có thể dữ kiện không giúp ít được nhiều nhưng dẫu sao căn cứ vào data để không bị quá tự tin cũng tốt.

Trong kinh doanh cũng tương tự.

Không ít nhà đầu tư thường bị quá tự tin và thiên kiến xác nhận khi nghĩ rằng đã thành công ở một số phi vụ lớn khác thì cũng sẽ thành công ở phi vụ này mặc dù số liệu cho thấy khả năng thất bại khá cao.

Một công ty chuyên về giáo dục có kế hoạch mở một trường quốc tế tại một quận mới – nơi tập trung đa số các gia đình giàu có sinh sống. Niềm tin để họ quyết định mở trường ở quận này chính là đây là quận mới chưa có trường quốc tế và thu nhập quận này khá cao.

Họ tập trung phân tích dữ liệu thu nhập mà xem nhẹ thông tin về nhân chủng học: hầu hết các hộ gia đình đến đây ở đều có con cái học trung học ở các trường khác nhau.

Tâm lý xem nhẹ thông tin nhân chủng học là do những dự án giáo dục khác ở các chi nhánh khác rất thành công và tạo thương hiệu lớn.

Cho nên, họ đã bị rơi vào tâm lý “tự tin có thừa” rằng sẽ tiếp tục thành công ở quận mới này mà bất chấp dữ liệu bất lợi khá lớn.

U23 Việt Nam đã vượt qua các ông lớn châu Á, từ Úc đến Syria, Iraq và mới nhất là Qatar, vì thế hiệu ứng tự tin thái quá đối với người hâm mộ là không tránh khỏi.

Không phải viết ra đây để làm cụt hứng người hâm mộ, nhưng cũng nên nói qua vài điều để có cái nhìn nhận xác thực hơn về tính khách quan của dữ liệu.

Ai mê bóng đá đều biết ở giải FA của Anh quốc, trường hợp đội tỉnh lẻ quật ngã đại gia nhiều tiền là chuyện thường tình.

Như tôi đã nói, bóng đá là trò chơi mang nặng yếu tố tâm lý, phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý của từng cầu thủ. Trước khi trận bán kết 2 diễn ra, người hâm mộ cứ mặc nhiên khẳng định U23 Việt Nam không sợ Tây Á, Trung Á, chỉ ngán Đông Á, vì thế mới cầu mong đá chung kết với Uzbekistan.

Những chiến thắng trên chấm luân lưu, hay cầm hòa suốt 90’ minh chứng cho cái đầu “có sỏi” của ông thầy người Hàn, khi sử dụng tốt các yếu tố lợi thế của các học trò lúc này, giữ vững tâm lý trước những tình huống cân não.

Có lẽ, các cầu thủ được dạy nên biết mình biết người, giữ niềm tin và tinh thần quả cảm nhưng không rơi vào tự tin thái quá.

Cũng như triệu trái tim khác, tôi cầu mong U23 Việt Nam giành được chiếc cúp vô địch như Hy Lạp đã đến trận cuối tại kỳ Euro 2004 tại Bồ Đào Nha để chứng minh bóng đá vẫn là môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh - ở đó không tất nhiên đội mạnh luôn là kẻ thắng cuộc. 

LƯƠNG TRỌNG VŨ

Nguồn: Thể thao Tiếp thị

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC