Giáo lý nhà Phật không có cúng sao, nhiều người vẫn xì xụp cúng giải hạn là mù quáng, khập khiễng.
Thế kỷ 20 là thế kỷ của nhiều biến động, trong đó có sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học vũ trụ.
Ngày 21/7/1969, Neil Amstrong- phi hành gia người Mỹ rời khỏi tàu Apollo 11, bước đi trên mặt trăng.
Neil Amstrong thấy trên mặt trăng chỉ toàn đất đá lạnh lẽo, không hề có cây đa, chú cuội, hay chị Hằng nào- những thứ nằm trong trí tưởng tượng của người Việt hàng nghìn năm.
Người cổ đại, mỗi khi nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh, họ tưởng tượng, phóng tác ra hàng trăm câu chuyện ly kỳ, thần bí, cốt để thỏa mãn cái tôi khát khao sự hiểu biết của mình.
Sự kiện đặt chân lên mặt trăng này đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân loại chinh phục không gian. Nó đã cổ vũ niềm mơ ước lớn lao của nhân loại là vươn tới các vì sao trong hàng thiên niên kỷ.
Lượng kiến thức về vũ trụ của con người cũng tăng lên đáng kể, bao câu chuyện thần thoại- thần bí đã bị vỡ tung.
Thế kỷ 21 sắp sửa bước vào thập niên thứ 3, người Mỹ đã phóng hàng chục tàu thăm dò lên sao Hỏa.
Ông chủ hãng Tesla- Elon Musk còn dự định cải tạo sao hỏa, đưa con người lên đó định cư vào năm 2024. Nhưng tôi vẫn không sao hiểu được, vì sao người Việt chúng ta vẫn có một đám đông, ngồi tràn ra đường xì xụp cúng sao giải hạn, mỗi dịp đầu xuân.
Mặc cho nhiều người kêu gào rằng họ đang bị những nơi tổ chức cúng sao lợi dụng, trục lợi.
Một số nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, Phật giáo không hề có cúng sao giải hạn.
Nhà vật lý Einstein lừng danh từng nói:
“Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame. Reigion without science is blind).
Tôi thì cho rằng cúng sao vừa khập khiễng, vừa mù quáng.
Phan Vĩnh Long