Tôi rất đồng cảm với chia sẻ của tác giả bài viết "Ngày nghỉ là điều xa xỉ với nhiều lao động Việt".
Trước đây, Việt Nam làm việc sáu ngày một tuần nên chỉ phù hợp với các lĩnh vực sản xuất. Bù lại, các ngành dịch vụ, xây dựng hầu như không thể phát triển (như du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm) vì người dân không có thời gian hưởng thụ, tiêu dùng, dẫn đến không khai thác hết tiềm năng các ngành nghề trong xã hội. Lâu dần, nó dẫn đến phát triển xã hội không đồng đều, tỷ lệ thất nghiệp cao.
Sau khi nước ta chuyển sang làm việc năm ngày một tuần, số ngày nghỉ tăng lên, kết hợp với nghỉ lễ, hình thành các chuỗi ngày nghỉ dài, nhiều người bắt đầu chi tiêu, hưởng thụ ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng, làm đẹp, mua sắm... từ đó làm tăng cầu lĩnh vực dịch vụ, kéo theo tăng cầu các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng... để phục vụ cho ngành dịch vụ (như xây dựng khách sạn, khu mua sắm, sản xuất trang thiết bị phục vụ các ngành dịch vụ, sản xuất nông sản chất lượng cao...). Nhờ đó, chúng ta huy động được nhiều người tham gia vào đời sống sản xuất, tiêu dùng.
Xét trên vĩ mô nền kinh tế, việc có nhiều ngày nghỉ sẽ làm tăng cầu đều trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội, để ai cũng có thể lao động (ngày nghỉ, lễ thì ngành dịch vụ làm việc nhiều; ngược lại, ngày thường thì ngành sản xuất lại làm việc...), qua đó góp phần tạo ra thu nhập, giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Thế nên, những ai hay nói rằng Việt Nam nghỉ Tết dài làm ảnh hưởng đến năng suất lao động thì họ chỉ nhìn thấy được một khía cạnh của vấn đề.
Có người cho rằng nghỉ nhiều chỉ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận nhỏ người dân trong lĩnh vực dịch vụ, lu lịch, chứ không thể lo hết được cho tất cả. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một suy nghĩ khá hạn hẹp. Dịch vụ đâu chỉ có tham quan danh lam thắng cảnh; mà chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng, hưởng thụ sản vật địa phương, kết hợp tham quan.
Việt Nam hiện nay thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng ở các resort ven biển hoặc các khu vực vùng núi, cao nguyên.
Du lịch nghỉ dưỡng mới có thu nhập cao, cứ xem tại các tỉnh có số lượng công trình cao tầng, khách sạn 4-5 sao và nhiều công trình hạ tầng đều từ phát triển dịch vụ như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng.
Từ đó nhà cửa, hàng quán của người dân cũng phục vụ cho khách du lịch, đi kèm là nhu cầu về hàng hóa, vật liệu, trang thiết bị để phục vụ dịch vụ (mà nếu không có dịch vụ thì người dân không mua sắm làm gì), từ đó tác động lại cầu cho sản xuất công nghiệp.
Còn nếu chỉ chăm chăm sản xuất nông nghiệp thì thu nhập rất thấp, người nông dân không đủ sống lại phải bỏ đất đi làm việc khác. Giờ muốn phát triển công nghiệp cũng không phải là dễ khi biết sản xuất ra cho ai tiêu dùng vì đâu dễ xuất khẩu.
Còn trong nước, nếu tiêu dùng cá nhân thì cầu sẽ hạn chế, dễ bảo hòa nếu người dân không có thu nhập cao.
Tóm lại, việc tăng số ngày nghỉ, giảm số ngày làm việc là điều rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Nhiều cuộc thử nghiệm làm việc bốn ngày mỗi tuần đã được triển khai trên thế giới, cho kết quả năng suất lao động gần như tương tương, thậm chí tốt hơn so với làm việc năm ngày.
Trong khi đó, nhiều khía cạnh khác của xã hội lại được cải thiện đáng kể. Hy vọng người Việt cũng sớm bắt kịp với xu thế này.
M. Tri
Nguồn: VNEXPRESS.NET