Ở trong bệnh viện, nơi người nhà bệnh nhân đang rối trí, nơi con người phải đối mặt với sự sinh - tử, việc lạm dụng quyền lực để “làm ăn” trên nỗi đau của người bệnh, bóc lột họ, là muôn hình vạn trạng.
Nhiều năm trước bệnh viện tôi có qui định, bất kì bệnh nhân nào tử vong, sẽ phải mổ xác.
Việc mổ xác có một lợi ích lớn, là nó kiểm tra lại chẩn đoán và cách thức điều trị của bác sĩ. Tôi thường xuyên canh giờ mổ xác để xuống phòng, xem lại việc chẩn đoán có chính xác không, mổ có đúng chỗ, đúng bệnh không, và đặc biệt, bệnh nhân chết vì gì.
Tuy nhiên, có nhiều ca phải chờ công an vào thì mới mổ xác được. Và thường thì công an sẽ không vô cho đến giờ nghỉ trưa, hẹn đầu giờ chiều mới vô để chứng kiến mổ xác. Nhưng chỉ cần tôi bước ra khỏi phòng chừng 10 phút là ca mổ xác đã tiến hành xong và công an cũng đã ra về. Tôi không có dịp chứng kiến xem bệnh nhân chết vì cái gì.
Một hôm, một gia đình bệnh nhân mời chúng tôi đi ăn trưa, tại một nhà hàng khá sang trọng ngay gần bệnh viện. Hồi ấy, gần như không có bác sĩ nào có đủ khả năng để tự vào ăn nhậu tại những nhà hàng sang trọng như vậy.
Chúng tôi gặp nhiều người của khoa Giải phẫu bệnh (khoa phụ trách việc mổ xác), từ bác sĩ, kĩ thuật viên, người vận chuyển xác… ngồi ăn ở đó. Khi đó, tôi luôn nghĩ họ là những người rất khổ. Khi thân nhân bệnh nhân gặp họ thì bệnh nhân đã chết rồi, đâu có biết họ là ai mà "cám ơn".
Sau nhiều lần thắc mắc, một đàn anh mới giải thích cho tôi. Đó là những "con kền kền". Họ nhậu từ tiền không mổ xác. Thì ra chẳng có công an nào chứng kiến cả. Họ đuổi tôi ra, để nhanh chóng hoàn tất biên bản mổ xác mà thực tế là không mổ, theo đặt hàng của người nhà. Và họ nhận một số tiền để xác không phải mổ.
Chưa hết, còn có những câu chuyện lan truyền trong nhân viên bệnh viện, rằng gia đình bệnh nhân bị bắt phải mua hòm với giá trên trời thì mới được cho phép lấy xác ra, vì những qui định về vệ sinh. Các bác sĩ nghĩ ra một cách để “đối phó” với tình trạng này, đó là bệnh nặng thì xin về. Khi bệnh nhân nặng, không còn khả năng cứu chữa, các bác sĩ khuyên gia đình kí cam kết, xin đưa bệnh nhân về. Tôi cũng đã từng làm việc đó, với suy nghĩ giúp cho gia đình người bệnh tránh được "bầy kền kền". Khi giám đốc mới nhậm chức, một cuộc chiến cực kì căng thẳng, phải có sự can thiệp của bao nhiêu cấp giám đốc mới mới có thể dẹp được "ổ kền kền" ấy.
Ở trong bệnh viện, nơi người nhà bệnh nhân đang rối trí, nơi con người phải đối mặt với sự sinh - tử, việc lạm dụng quyền lực để “làm ăn” trên nỗi đau của người bệnh, bóc lột họ, là muôn hình vạn trạng.
Quay trở lại với câu chuyện đau lòng xảy ra trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương – nơi một chiếc xe chở cháu bé lâm bệnh nặng được gia đình xin cho về nhà, đã bị bảo vệ giữ lại; gây khó dễ.
Và rồi cháu bé đã chết ngay trên xe. Nó cũng là một thực tế không xa lạ ở bệnh viện. Một bệnh nhân của tôi khi bệnh nặng, gia đình muốn mang xe nhà vào chở người bệnh nặng về. Họ rất lo lắng và nhờ tôi can thiệp. Tôi không nghĩ ra lí do gì để phải can thiệp. Về sau tôi mới biết là ở một số bệnh viện, việc chở bệnh nhân nặng xin về, và bệnh nhân tử vong, bị bắt buộc phải hợp đồng (có trả tiền) với xe do bệnh viện quản lí.
Bệnh viện là một môi trường mà người nhà bệnh nhân rất sẵn sàng để bị lợi dụng. Vì họ đang yếu thế về tinh thần.
Còn ở phía bên kia, những thế lực đen đã dùng lợi nhuận làm mờ mắt một số người trong bệnh viện. Việc cạnh tranh để làm ăn trên nỗi đau của người bệnh sẽ còn nở rộ, nếu không có những biện pháp quản lý chặt chẽ.
Tôi tin rằng những “áp phe” làm ăn trên thân xác người bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu có những quy định, chế tài đủ cụ thể, chi tiết đến từng khả năng trong nội bộ bệnh viện.
Giám đốc viện Nhi TW đã xin lỗi. Đó là một cử chỉ đáng hoan nghênh. Nhưng câu hỏi đặt ra là sau lời xin lỗi ấy, có những quy định đủ sức nặng để tránh được những sự việc đau lòng như đã xảy ra hay không.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn