Tôi có đọc bài trả lời phỏng vấn "Kiên trì sẽ giúp mình hạnh phúc!" trên báo điện tử Vietnamnet.vn và Trích dẫn nóng "Nghĩ chạy xe ôm vài năm rồi mở công ty là ảo tưởng" trên báo điện tử nld.com.vn của GS Trương Nguyện Thành, vào ngày 8-2.
GS Việt kiều Trương Nguyện Thành là người "nổi trên mạng" với biệt danh "giáo sư quần đùi" vào năm 2017 khi ông mặc quần sóc, áo thun lên giảng đường dạy học.
Vốn là người rất quý trọng GS, đặc biệt là vốn kiến thức và phong cách giảng dạy nhưng thú thật, tôi rất ngạc nhiên vì những suy nghĩ của GS trong bài viết.
Tôi cũng từng là sinh viên đại học ở Sài Gòn trước năm 1975, từng phải làm thêm đủ nghề. Ngay trong khoảng thời gian còn làm cán bộ Thành đoàn và hiện tại tôi vẫn làm thêm.
Trước đây mục đích chính làm thêm của tôi là kiếm tiền đi học. Bây giờ thì làm thêm để giúp đời và giúp mình, trong đó có việc đi dạy và viết báo. Nhờ làm thêm đủ nghề, tôi học thêm được đủ thứ. Có những kiến thức thực tế mà không trường đại học nào dạy được. Trường học vĩ đại nhất là cuộc sống và phải học suốt đời.
Trong bài trả lời phỏng vấn, GS Thành cho rằng:
"Thời gian gần đây, hiện tượng ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam tốt nghiệp cử nhân nhưng chọn nghề chạy xe ôm. Nhiều bạn tự hào rằng thu nhập còn nhiều hơn nếu đi làm đúng nghề. Nhiều bạn nghĩ rằng chạy xe ôm vài năm, dành mớ tiền để làm chuyện khác như mở công ty. Đây là một trong những ảo tưởng của giới trẻ".
Nghĩ như vậy là khiên cưỡng, thậm chí không hiểu gì về các bạn chạy grabbike cả. Tôi đoán GS cũng ít đi grabbike?
Lực lượng chạy grabbike hiện nay nhiều nhất là người lao động, có việc làm ổn định nhưng muốn có thêm thu nhập chính đáng và phù hợp với điều kiện. Thứ đến là sinh viên và số chạy grabbike chuyên nghiệp. Số tốt nghiệp đại học không nhiều. Tôi chưa nghe grabbike sinh viên nào tự hào và sẽ làm nghề này cả đời. Số grabbike cử nhân lại càng không, dù rằng "không có nghề nào hèn, chỉ có người hèn".
Các bạn chỉ tự hào vì mình không phải sống bám vào cha mẹ và người thân. Chạy grabbike để tích lũy chút vốn còm lận lưng khởi nghiệp sao gọi là ảo tưởng? Cha mẹ không có điều kiện, vay mượn không ai cho. Cũng không thể khởi nghiệp bằng tay trắng. Hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, nếu không chạy grabbike thì làm gì? Nhờ GS chỉ giùm.
Khi đi dạy, tôi vẫn khuyến khích sinh viên làm thêm để quen với cuộc sống tự lập.
Dĩ nhiên đừng bê trễ chuyện học. Tôi cũng khuyên sinh viên tốt nghiệp, nếu chưa có việc làm như mong muốn thì hãy làm bất cứ việc gì mà luật pháp và đạo đức cho phép để không phải ăn bám gia đình. Cử nhân, kể cả tiến sĩ chạy xe ôm là điều bình thường. Thậm chí còn tốt gấp vạn lần những kẻ ăn hại dù bằng cấp đầy mình. Chạy grabbike, không ổn định, không có phúc lợi xã hội, điều kiện lao động cực nhọc mà giá rẻ có khi bằng xe buýt, lại còn trích nộp cho công ty nhưng vẫn thu nhập cao hơn các cử nhân làm đúng nghề thì phải xem lại chính sách lương, điều kiện làm việc và cả chất lượng của hệ thống giáo dục; sao lại đi trách các bạn trẻ!
GS còn khẳng định:
"Nghề chạy xe ôm thật sự không cần trình độ đại học. Phải chăng bạn đã bỏ phí 4 - 5 năm tuổi trẻ và tiền của từ cha mẹ trong thời gian học đại học? Nếu 5 -10 năm nữa nghề xe ôm không còn, bạn sẽ làm gì và giá trị của bạn là gì?".
Thưa GS, rất nhiều nghề không cần trình độ đại học chứ không riêng gì chạy grabbike. Nhiều doanh nhân thành đạt cũng đâu có bằng đại học?
Có người do không có điều kiện đi học.
Có người quay lưng với cách giáo dục từ chương trình lạc hậu.
Đường tới thành công của các doanh nhân này khó khăn gấp bội những người được đào tạo bài bản. Ở Việt Nam, có nhiều phát minh và sáng kiến là do các nhà khoa học chân đất hoặc dép tổ ong chứ không phải do các "nhà khoa học áo vest". Dĩ nhiên không phải là tất cả.
Tôi không cổ xúy việc bỏ học ngang hoặc làm trái nghề. Chỉ xin khẳng định "sự học, trước hết là cho mình và vì mình. Không phải học để làm quan, làm tướng; học vì sĩ diện hay để trang sức". Càng nhiều cử nhân chạy grabbike càng chứng tỏ Việt Nam phổ cập đại học, chứ không còn khổ sở xóa mù chữ như nhiều nước.
GS sợ 5-10 năm nữa, xe ôm sẽ không còn vì toàn ô tô không người lái.
Thưa GS, khi đó thì GS cũng thất nghiệp vì đã có người máy lập trình sẵn, thay cho các thầy cô. Người máy còn làm vợ, làm chồng được nữa là những việc khác. Nghề nghiệp sẽ đảo lộn và con người, trong đó có GS và cả các grabbike cũng phải thích nghi. Rất nhiều nghề trước đây đã biến mất trước sự thay đổi của khoa học kỹ thuật mà cuộc sống vẫn tiến lên vì đó là qui luật.
GS kết luận "Khoa học đã chứng minh "trì hoãn hưởng thụ"’ là một trong những tính cách cần thiết giúp con người thành công. Bạn muốn thành công trong tương lai nhưng lại không muốn trì hoãn hưởng thụ là điều bất khả thi". Sao lại trách ngược các bạn như vậy.
Các bạn đã "Trì hoãn hưởng thụ", không tiếp tục ăn bám gia đình mà xông thẳng vào đời kiếm sống cật lực để tự lực cánh sinh, dù chưa đúng nghề nhưng rất đáng trân trọng.
Vài lời thưa chuyện với GS. Rất mong nhận được phản hồi và trao đổi thêm của GS cũng như độc giả.
NGUYỄN VĂN MỸ (ảnh Vietnamnet)
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động