Đạo diễn Lê Hoàng quyết nói “không” với “văn hóa” ẩm thực kiểu “bún mắng phở chửi” tại Hà Nội. Ông "thà chết" chứ không thể chịu nổi cái cảnh xếp hàng chỉ để ăn một bát phở rồi lại còn bị nghe chửi.
Mỗi lần ra Hà Nội, Lê Hoàng sợ nhất gặp họ hàng. Đơn giản vì họ hàng quá tốt.
Do tốt nên gặp mình bà con mừng lắm. Nhưng nỗi mừng ấy kiên quyết không thể phát ra chỉ bằng mồm hay bằng tay chân. Để trọn nghĩa trọn tình, trọn trên trọn dưới, sự mừng vui phải được đánh dấu bằng việc mời bằng được đến nhà ăn cơm.
Đến nhà ăn cơm?
Ai là dân Bắc mà không hiểu sự thiêng liêng của từ này? Lê Hoàng tất nhiên không ngoại lệ. Nhưng ôi thôi, cứ nghĩ đến các bữa cơm ấy là toát hết mồ hôi. Ví dụ như chủ nhà mời 11 giờ ăn thì mình phải đến từ 10 giờ cho phải phép.
Bữa cơm ít nhất cũng kéo dài 2 tiếng đồng hồ do bà chủ quần quật đi chợ, quần quật trong bếp từ sáng sớm. Sau khi ăn xong, chỉ có kẻ tầm thường mới “cắp đít” về ngay, chứ người văn hóa phải ngồi lại dùng trà, nghĩa là bữa trưa thường kéo tới đầu giờ chiều, khách về nằm vật ra trong khách sạn, chủ nằm vật ra trong nhà mình.
Tại sao ăn uống lại có vai trò quan trọng đến thế là điều Lê Hoàng không bao giờ hiểu nổi. Đúng là chúng ta phải cẩn thận, không nên tống thuốc độc vào mồm để tránh bị ung thư do chúng ta còn quá nhiều lý do để sống. Nhưng phải xếp hàng để ăn phở hay phải bị mắng để ăn miến, phải mất đến nửa ngày để ăn cơm, Lê Hoàng thà chết còn hơn.
"Nhưng phải xếp hàng để ăn phở hay phải bị mắng để ăn miến, phải mất đến nửa ngày để ăn cơm, Lê Hoàng thà chết còn hơn"
Tất cả các nhà phê bình văn học đều nhất trí là miếng ăn đã làm khổ nhà văn Nam Cao.
Ông viết rất nhiều truyện ngắn về cái hay, truyện ngắn về ăn hay, sâu sắc và buồn thảm một cách lạ lùng. Nhưng phần lớn chúng ta hôm nay không phải Nam Cao, chỉ nam nhi là cùng, vậy cớ gì để miếng ăn làm khổ như vậy?
Tôi đã thấy có những người đi rất xa vì một miếng ngon. Tôi đã thấy có những ông chồng đánh vợ vì làm hỏng một bữa cơm ngon.
Tôi đã thấy những ông bố sai con đi rất khuya để mua cho mình một món yêu thích. Tôi đã thấy những cô gái ăn vận cực kì lịch sự chen chúc ngồi vỉa hè vì bát bún riêu ngon.
Tôi đã thấy tất cả những thứ đó dù không thấy “hoa vàng trên cỏ xanh”. Tôi xin tuyên bố chả coi ra gì những kẻ nào quan trọng miếng ngon đến mức làm khổ người khác và làm khổ bản thân.
Tất nhiên, tôi tự cho mình không phải Trư Bát Giới, mọi thứ đều nuốt chửng “thực bất tri kì vị”.
Tôi chỉ tin rằng mục đích quan trọng nhất của ăn uống là đủ dinh dưỡng và vệ sinh. Những giá trị cao quý hơn để vào những dịp đặc biệt chứ không phải ngày thường.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn kĩ năng nấu nướng của các đầu bếp trứ danh đều liên quan tới gia vị, dùng gia vị để quyết định. Nhưng gia vị chỉ tồn tại ở lưỡi, khi vào đến dạ dày thì bản chất của thực phẩm sẽ quyết định chứ không phải cách bày chúng lên đĩa hay cách thêm bớt sốt cà chua.
Nói cách khác, “ngon” là một phạm trù rất tương đối, nhiều lúc chả phải do dinh dưỡng cao hay thấp mà do không khí bữa tiệc, do cô gái ngồi bên, hoặc do… mình ăn được nó không ăn được quyết định.
Không có ngon tuyệt đối, không có dở tuyệt đối.
Mọi âm mưu tiến tới món ngon toàn câu rồi sẽ thất bại. Nhưng có sự hành hạ nhau tuyệt đối khi lúc nào cũng bắt nhau phải cho ăn ngon.
Một gã chồng thấy mâm cơm ngon khi vợ quần quật cả ngày trong bếp là một gã chồng vứt đi. Dù có giết tôi tôi cũng không thay đổi suy nghĩ này. Con người chân chính không thể ăn bằng lưỡi, bằng răng mà phải cả bằng cảm xúc. Mình ăn mà cả nhà mình vì miếng ăn đó vất vả thì cái ngon nếu có man rợ biết bao.
Cho nên kệ ai nghĩ sao cũng được, Lê Hoàng tin rằng chỗ nào người ta riết róng vì miếng ngon, sẵn sàng đi thật xa, chờ thật lâu và chen chúc thật mệt để có miếng ngon, chỗ đấy văn hoá chưa phát triển.
Khi các cô gái trẻ chọn bạn trai, xin các em hãy nhớ nhìn vào nghề nghiệp, nhìn vào bằng cấp, nhìn vào cư xử và nhìn vào… mồm. Chàng trai nào có vẻ khoái món ngon một cách say mê quá xin các em hãy tránh xa khẩn cấp, rước loại chồng ấy về sẽ gây tai hoạ.
Chắc rằng tôi không đến mức chỉ cần chém to kho mặn là bỏ vào mồm. Trong cuộc sống rất cần những giây phút chăm chút làm một món gì đấy cho mình hoặc cho bồ mình. Nhưng những lúc đó không thể thường xuyên, càng không phải mục đích để sống bên nhau trọn đời.
Chả phải ngẫu nhiên mà phần lớn các danh nhân đều coi thường ăn uống.
Nhiều nhà khoa học chẳng nhớ mình đưa gì vào mồm hàng ngày, và nhiều tỷ phú có khả năng ăn cả gan trời vẫn ăn thức ăn chế biến sẵn. Đơn giản vì họ có một quan niệm rất khác về ngon. “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, câu nói dân gian ấy có từ ngàn xưa, lúc mà ăn uống còn quan trọng, chứng tỏ các cụ đã biết việc đòi hỏi hay tham lam trong ẩm thực khiến người ta xấu ra sao.
Theo tôi, một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của ngon là vui. Khi ta ăn với một thiếu nữ đẹp hay một đám bạn thân, ta có đưa lên mồm khoai lang nướng hay ngô nướng cũng ngon vô cùng. Còn khi ta ngồi một mình trong xó tối, có ăn sâm, ăn bào ngư vi cá cũng nhạt như vôi.
Xin nhắc lại lần nữa là con gái hãy tránh xa loại đàn ông sùng bái, say sưa và ca tụng các món ngon.
Lúc yêu nhau có thể đấy là thú vị, là cầu kì sang trọng, sành điệu lịch lãm, nhưng lúc cưới rồi đặc biệt khi túng thiếu, khát khao khoái cảm về sự ngon rất dễ làm cho đàn ông mất tư cách, mất tư thế, và mất cả lòng nhân ái.
Nó khiến người vợ có một sự coi thường ngấm ngầm, một sự kinh hãi kín đáo, vô cùng bất lợi cho hạnh phúc gia đình.
Lê Hoàng