Trong khi các quan xã ở Đồng Thái ăn nhậu nợ nần các nhà hàng thì quan xã ở Minh Lộc thu tiền xây nghĩa trang của trẻ mới lọt lòng.
Biên bản bàn giao nợ của xã Đồng Thái. Ảnh: Báo Nông nghiệp
Muốn biết đời sống cán bộ và người dân khắp nơi đang thế nào, cứ mở báo hàng ngày ra là có khối chuyện cười ra nước mắt.
Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa có bài: “Quan xã tiêu hoang, nợ chồng chất lên đến hàng chục tỷ” kể chuyện ăn nhậu của các cán bộ xã Đồng Thái, Ba Vì (Hà Nội).
Các quan xã ở đây đời sống cao lắm, mặc kệ trong số 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo (13,1%) và 67 hộ cận nghèo (0,02%), mặc kệ chuyện dư nợ tín dụng của xã lên tới 34 tỷ đồng, các quan ở đây vẫn hàng ngày đi ăn nhậu, hát hò thả phanh.
Bài báo viết: “Có 3 nhà hàng mà lãnh đạo xã hay tổ chức ăn uống là Tư Lùn, Phượng Ớt và Nga Nguyên. Không chỉ ủy ban nợ mà các ban, ngành, đoàn thể cũng nợ. Dù ai nợ thì cũng nhìn vào túi ngân sách xã mà thôi”.
Không chỉ ăn chơi, hát hò, các quan xã Đồng Thái còn nợ tiền may áo quần đồng phục cho các đại biểu HĐND xã với số tiền 61.600.000 đồng, tiền “đi nghiên cứu thực tế tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và Cửa Lò, Nghệ An” hết số tiền 145.500.000 đồng đến nay nợ vẫn còn treo đó...
Nói tóm lại, sau khi đọc xong bài báo này thì không thể không thốt lên: Chúa Chổm thời nay là đây chứ đâu. Nợ tiền ăn, tiền hát, tiền áo quần, tiền đi nghiên cứu thực tế bãi biển, tiền lương nhân viên dưới quyền… tóm lại nợ được gì là ông cứ ghi sổ nợ, trả thì tính sau.
Bởi vì chưa hết nhiệm kỳ, ông chủ tịch xã Phùng Trần Anh bị kỷ luật, giáng chức xuống làm… Trưởng công an xã, số nợ này đương nhiên người sau tiếp quản.
Đọc bài báo mà cứ ngỡ chuyện hài, nhưng ở xã Minh Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) còn có chuyện hài hơn, đó là các quan xã ở đây còn mẫn cán, nhiệt tình, cẩn thận đến nỗi thu tiền đóng phí xây nghĩa trang của cả trẻ mới lọt lòng.
Bài viết: “Vừa lọt lòng đã phải đóng tiền xây... nghĩa trang” trên báo Lao động cho biết:
“Theo báo cáo của xã, mỗi vụ, mỗi thôn có 10 khoản thu như: Hoạt động thiếu niên: 20.000 - 60.000 đồng/khẩu/năm; phúc lợi xã hội: 20.000 đồng/khẩu/năm; hoạt động làng văn hoá: 20.000 - 60.000 đồng/khẩu/năm; phục vụ hội nghị chủ yếu thu theo hộ từ 20.000 - 50.000 đồng/hộ/năm; vệ sinh mương dân sinh: 30.000 đồng/sào/năm; sửa xe tang: 50.000 đồng/hộ/năm; bảo vệ đồng ruộng: 30.000 đồng/sào/năm; xây dựng cơ sở văn hoá: Trên 200.000 đồng/khẩu/năm; phục vụ các đoàn thể: 10.000 đồng/khẩu/năm; quỹ khuyến học: 10.000 đồng/khẩu/năm…
Tính trung bình mỗi khẩu, ngay cả các cháu bé mới lọt lòng, cứ có tên trong sổ hộ khẩu là phải nộp khoảng 350.000 đồng/năm. Một gia đình 5 người, mỗi năm phải nộp khoảng 1,8 triệu đồng”.
Trong các khoản phí, có phí xây dựng nghĩa trang 100.000 đồng/khẩu/năm và bổ cả vào đầu đứa trẻ mới lọt lòng. Dân lên tiếng kêu than, bức xúc.
Chết thật, tôi chả hiểu tại sao, đáng lẽ phải khen các quan xã ở đây làm việc với tinh thần trách nhiệm cao mới phải chứ? Bởi chưa thấy ở đâu, các quan lại có con mắt nhìn xa trông rộng như ở Minh Lộc.
Các cháu bé vừa mới lọt lòng mẹ, nhưng các quan đã nhìn thấy tương lai của các bé qua quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Được sinh ra là tốt, nhưng thể nào rồi cũng đến lúc con người ta phải nhắm mắt xuôi tay, thu trước phí nghĩa trang đi là đúng rồi chứ còn gì nữa.
Cứ túm cổ chặn đầu, dân như kiến bò miệng chén, chạy đâu cho thoát.
Chỉ khổ một nỗi, cái lòng tham tiền đã khiến các quan mờ cả mắt đến nỗi không biết trẻ em dưới 6 tuổi đã bị bổ đầu đóng các khoản thu là sai luật. Nhưng không sao, sau khi thừa nhận việc làm này là…phản cảm, ông Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: “Sẽ nghiên cứu cách thu khác, có thể là chỉ thu với các cháu 36 tháng tuổi trở lên”.
Ông quan xã này còn tỏ ra âu lo, giờ không được thu của trẻ sơ sinh thì số thu sẽ sụt giảm, phải nghĩ cách thu kiểu khác, tăng tiền khoản thu lên, bù vào cho đủ.
Hỡi ôi, với những cái đầu quan xã thế này, dân làm sao cho hết khổ? Không thu của trẻ sơ sinh nữa, thu của trẻ 36 tháng tuổi trở lên, rồi tăng các khoản thu lên mà bù vào cho đủ. Hỏi có còn ông quan nào sáng tạo hơn không?
Dân thì đằng nào chả khổ. Thế nên kêu thế kêu nữa cũng vậy thôi. Đã sinh ra là thể nào cũng phải có lúc chết, đóng phí nghĩa trang từ lúc lọt lòng cho chắc chắn, không mất đi đâu mà sợ.
Mi An
Báo Đất Việt