Trên facebook đang lan truyền hình chụp một bài văn của học sinh tiểu học. Đề bài yêu cầu học sinh tả con chó của nhà em.
Trong phần bài làm, học sinh này viết: "Nhà em không có nuôi chó. Khi nào nhà em nuôi chó em sẽ tả". Sau đó có lời phê bằng mực đỏ: "Cạn lời. Về nhà làm lại".
Không biết tấm hình đó xuất phát từ đâu, là thật hay giả.
Nhưng nhìn vào yêu cầu của bài văn thì thấy kiểu đề thi này không xa lạ gì, thực tế học sinh tiểu học hiện nay hay được thầy cô yêu cầu viết những bài tập làm văn kiểu vậy.
Trong những đề tập làm văn đơn giản dành cho học sinh lớp 2 (với mỗi bài khoảng 5 câu) thường là được yêu cầu tả con chó, con mèo, con lợn, con chim, cây hoa hồng, cây mít, cây ổi hay em bé, anh, chị... nhưng thường yêu cầu những cây, con đó của "nhà em" hay anh, chị, em bé "của em".
Với cây, con thì không phải nhà ai cũng có, cũng sẵn nuôi.
Nếu đứa trẻ ở nông thôn, nhà có vườn thì có cây, đứa trẻ ở thành phố nhà có nuôi thú cảnh thì mới có chó mèo và chim chóc.
Vậy nhưng, đề văn yêu cầu tả con mèo con chó nhà em đều khiến mọi đứa trẻ lúng túng hoặc chúng phải viết dối, nói dối theo mẫu cho sẵn: mèo thì có đôi mắt như hòn bi ve, đôi râu rung rinh để bắt chuột, chó sủa gâu gâu, ngoáy tít đuôi đón em về nhà.
Và câu kết thúc bao giờ cũng là: Em rất yêu con mèo (chó, cây hoa, cây bưởi) nhà em vì mèo giỏi bắt chuột, chó trông nhà cây (cho em hoa thơm quả ngọt)...
Con gái tôi 8 tuổi cũng đã từng nhờ mẹ gợi ý tả con mèo, con chó và cả em bé. Và đầu bài của nó viết luôn là: Nhà em có nuôi 1 con...
Có lần tôi bảo con, nhà mình có nuôi mèo đâu, con tả con mèo nhà bà H. đi, nhưng con bé không chịu. Nó nói cô giáo bảo phải tả con mèo của nhà em.
Thế là con bé viết "nhà em có nuôi một con mèo tam thể (dù nó chưa bao giờ nhìn thấy con mèo tam thể) có đôi mắt trong veo và bộ lông mượt".
Lần khác, con bé lại được yêu cầu tả cây ăn trái trong bài tập về nhà.
Nó hỏi tôi nên tả cây gì. Tôi gợi ý cho nó tả cây bưởi, vì bưởi thì nó được ăn trái rồi, và khi về quê nó đã được nhìn thấy cây bưởi ở vườn.
Thế là nó hào hứng tả cây bưởi. Tả thì đúng gợi ý và thực tế rồi, vỏ bưởi lá bưởi dùng để đun nước gội đầu mượt tóc, hoa bưởi trắng tinh và thơm để cúng các cụ ngày Rằm; Đêm trung thu thì bà cắt bưởi vào và bổ bưởi để em ăn những tép bưởi mát ngọt... Nhưng đầu bài vẫn là Nhà em có 1 cây bưởi...
Tôi mới nói với con bé rằng, cây bưởi con tả là của nhà bà ngoại ở quê, chứ nhà mình ở thành phố không có cây bưởi nào.
Con viết về cây bưởi nhà em thì không trung thực. Nó bảo, viết văn mà mẹ. Và cô con bảo thế. Ai cũng tả cây của nhà em, nên con cũng tả cây của nhà em.
Hay mặc dù bé con nhà tôi không có em gái, nhưng khi được yêu cầu tả em bé, nó đã lấy mẫu là em Su nhà hàng xóm, nhưng nó đã biến em Su thành "em bé của nhà em" và cuối bài văn là: "Em rất yêu em Su và em vẫn đút cơm cho em Su ăn mỗi khi mẹ em Su gửi em Su ở nhà em".
Bạn tôi mới đây trong một lần về quê đã dắt con ra bụi chuối ở góc vườn và bảo: "Đây là cây chuối, và nó không có cành nên con không trèo lên chơi được đâu".
Anh nói vậy với con vì bạn của thằng bé đã có đứa tả nhà em có một cây chuối và mùa hè em vẫn trèo lên cành chuối chơi.
Hay có lần anh "ngã bổ ngửa" khi giúp con tả con mèo bằng cách lên mạng tìm hình một con mèo rồi đưa cho bé xem. Con trai anh, sau khi xem hình con mèo đã tả: con mèo nhà em có đôi mắt lác (trong hình con mèo nhìn thẳng vào ống kính chụp hình nên đứa bé nghĩ rằng con mèo lác).
Cũng vì tả các thứ "của nhà em" theo mẫu mà đã có không ít đứa trẻ đã tả: Nhà em có nuôi một ông nội; Nhà em có nuôi một bà nội...
Thực ra ở lứa tuổi tiểu học, cụ thể là lớp 2, để giúp trẻ biết quan sát và mô tả ra, các thầy cô ra đề thì đừng câu nệ bắt buộc trẻ phải viết về đồ vật, con vật, cây "của nhà em".
Mục đích cuối cùng của trẻ là tả lại những gì nó thấy và cảm nhận thì nên kệ cho các cháu được phát huy sự sáng tạo. Có thể đó là cây con trong công viên, ở quê hoặc nhà hàng xóm... mà trẻ có cơ hội thấy.
Bởi nếu trẻ không tả theo mẫu, con, cây "của nhà em" thì lạc đề. Mà tả, lại hóa ra nói dối từ rất sớm.
Nguồn: HOÀNG ĐIỆP
TUỔI TRẺ ONLINE