Phong trào “ném đá cho vui” trên mạng xã hội dần dần đã biến thành những “cơn bão căm ghét”, những “phiên tòa online” có sức lan tỏa rất lớn và để lại hậu quả nặng nề.
Không chỉ các ngôi sao giải trí vốn nhiều thị phi, những người mắc tội trộm chó, bảo mẫu đánh trẻ em… mà cả người bình thường, một cô giáo có quan điểm đi ngược số đông, một cô gái có gương mặt giống một tú bà… cũng bị biến thành nạn nhân để đám đông nhẹ là chê bai, giễu cợt, rao giảng đạo đức, nặng hơn là chửi bới, thóa mạ, lên án, thậm chí đòi loại khỏi đời sống…
Vì sao những “phiên toà online” ngày càng nhiều và ngày càng tàn nhẫn?
Minh họa: ĐAN.
xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), người từng đi qua những cơn bão căm ghét – để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Một trong những cảnh ở lại với tôi lâu nhất trong tất cả các clip đánh trộm mà tôi đã xem trên YouTube để phục vụ cho bài viết này là cảnh một thanh niên to cao nhảy một bước dài từ đằng sau tới để đạp vào lưng một cô gái ăn trộm quần áo đã bị bắt, trong khi cô ta đang quỳ xuống và chắp tay lia lịa van xin đám đông vây xung quanh cô. Một hành động tàn nhẫn, hẳn rồi, xảy ra khi một đám đông đang “thực thi công lý”.
Trong những “phiên toà nhân dân” online cũng đầy rẫy sự tàn nhẫn tương tự. Sau vụ Lolita, người ta đòi dán nhãn dịch giả Dương Tường cái mác "thằng ăn cắp" để "100 năm sau thiên hạ vẫn không quên”.
Người ta khui ra và tung lên mạng ảnh và địa chỉ cá nhân của hai anh em Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương sau khi họ bị phạt hành chính vì ăn cắp kính ở Thuỵ Sĩ rồi bảo nhau "kiểu này thì chỉ có thể bỏ xứ mà đi chứ còn mặt mũi nào nữa".
“Tất cả sự độc ác bắt nguồn từ sự bất lực” - Seneca |
Trong tất cả những trường hợp này, sự trừng phạt của đám đông ở mức độ cao hơn sự trừng phạt chính thống của pháp luật rất nhiều. Sự tàn nhẫn này từ đâu tới, cái gì sản sinh ra nó?
Một lý do cơ bản của sự tàn nhẫn ở đây, trớ trêu thay, lại tới từ cảm giác vì công lý. Những người ghét Dương Tường trăn trở trước thời cuộc: “Thử nghĩ xem liệu có một tương lai tốt đẹp nào không cho một xã hội mà đến cả một lão già vẫn được coi là dịch giả số một Việt Nam rốt cuộc hóa ra lại là một thằng ăn cắp, ngu dốt và đê tiện?”. Vì những giá trị gia đình, người ta đòi “đưa hai con p** Hồ Ngọc Hà và Ngọc Trinh lên máy chém”.
Chúng ta có quyền độc ác, nhiều người dường như lý luận như vậy, vì chúng ta ở phe chính nghĩa. Tự hào rằng mình đang bảo vệ một thế giới đang xuống cấp về đạo đức, người ta đánh mất ý thức về một tương quan đúng mực giữa mức độ của tội lỗi và mức độ của hình phạt. Đi theo lý tưởng một cách cuồng tín, người ta trở thành những tín đồ cực đoan. Coi những người khác họ là những kẻ tấn công vào các giá trị thiêng liêng của mình, họ truy đuổi và phá huỷ những người kia với lòng quyết tâm cao độ.
Cái ác mang tính lý tưởng, cái ác cuồng tín, khác với cái ác mang tính phương tiện như thế nào? Mục đích của cái ác phương tiện thường là lợi ích kinh tế, mang tính thực dụng: Tiền mặt, đất đai, dầu mỏ, quyền lực chính trị. Một tay cướp cần tiền sẽ chỉ nhắm tới cái dây chuyền của nạn nhân, và không có khao khát gây hại hay hành hạ nạn nhân ngoài mức cần thiết để sở hữu được cái dây chuyền đó.
Trong các ví dụ cụ thể của chúng ta, hai anh em Dũng và Phương muốn sở hữu mấy cái kính mà không mất tiền. Hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý hành hạ trẻ vì họ muốn nhanh chóng kết thúc công việc cho trẻ ăn của họ. Họ không gán cho các hành động của mình một triết lý (chiếm đoạt kính từ người giầu cho một xã hội công bằng hơn), cho mục đích của mình một lý tưởng (roi vọt cần thiết cho sự phát triển của trẻ). Trong những khoảnh khắc sai trái của mình, họ là cái ác mang tính phương tiện.
Cô Nguyễn Thị Kim Liên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Ninh (Phú Thọ) trả lời sai câu hỏi trong chương trình Ai là triệu phú bị cư dân mạng "ném đá" tơi bời. |
Còn những người phát động những chiến dịch huỷ hoại những người phạm chuẩn kia, ngược lại, tàn nhẫn nhân danh một lý tưởng. Như những chiến binh của một cuộc Thập tự chinh, họ thấy mình có nghĩa vụ đem ánh sáng đẩy lùi bóng tối của ma quỷ. Trong trường hợp này, việc hành hạ nạn nhân nhiều khi được coi như một minh chứng cho cái thiện đang chiến thắng, và do đó không có lý do gì để họ dừng tay. Nếu như “vấn đề" cần phải được giải quyết với cái ác mang tính phương tiện là làm thế nào để chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, thì vấn đề cần phải giải quyết của cái ác cuồng tín (mà lại đang nghĩ mình là thiện) là làm thế nào để tiêu huỷ nạn nhân.
Nhà nghiên cứu Roy Baumeister dẫn ra nạn diệt chủng ở Campuchia như một ví dụ rõ nhất của cái ác mang tính lý tưởng.
Chính quyền Pol Pot thảm sát trí thức Campuchia không phải chỉ để đạt được những mục đích mang tính thực tế: Dập tắt sự phản kháng, trưng dụng tài sản…, mà còn vì họ tin rằng trí thức là kẻ thù về ý thức hệ của họ, và do đó cần phải bị tiêu diệt bằng mọi giá, cho dù có tốn kém bao nhiêu chăng nữa. Khi Khme Đỏ mới lên cầm quyền, họ kêu gọi trí thức Campuchia ở hải ngoại trở về để “xây dựng đất nước”. Khi hạ cánh, nhiều người trong số những người trở về này được chở thẳng từ sân bay tới trại giam và phòng tra tấn. Vì sao lại phải lập mưu để giết một bác sĩ răng đang sống ở Paris, dường như không có một lý do kinh tế và thực dụng nào để giải thích cho việc vô nghĩa này. Người ta chỉ có thể giải thích nó bằng việc Khme Đỏ coi việc triệt tiêu những người trí thức này là một mục tiêu thiêng liêng.
Trong cuốn “Ác quỷ - Bên trong sự tàn nhẫn và bạo lực của con người”, Baumeister viết về cái ác mang tính lý tưởng: “Điều khiến cho cái ác mang tính lý tưởng đặc biệt tệ là lương tâm và sức mạnh trong tính cách của thủ phạm đẩy anh ta tới những hành động quyết liệt hơn, nghiêm trọng hơn. Không chỉ đơn giản là việc làm hại người khác được cho là chấp nhận được, nó trở thành một bổn phận. Khi hành vi gây bạo lực cho người khác không những được nhìn nhận như một quyền, mà còn là một nghĩa vụ, thì bạo lực sẽ trở nên gay gắt và không thương xót”.
Những người cuồng tín có một thế giới quan đơn giản.
Ai không đồng ý với họ nghĩa là đi ngược với họ, hoặc do ngu dốt, không biết phải trái là gì, hoặc vì về phe những người kia, và do đó cũng xấu xa như chúng. Liệu sự lăng nhục Dương Tường có quá đà không? Câu hỏi này chỉ có thể đến từ tụi cùng một giuộc. “Đâu phải chỉ bọn ăn cắp mới bênh thằng ăn cắp, bọn có ý định ăn cắp cũng bênh thằng ăn cắp nữa kìa, nhất là với CỤ ĂN CẮP, chúng lại càng bênh tợn, hihi”.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, sau một bài nhận xét về sự độc ác người ta dành cho Hồ Ngọc Hà, nhận được bình luận:
“Tóm lại là con tác giả này muốn thoải mái ngoại tình, muốn tình dục, muốn buông thả như súc vật”.
Thế giới quan trắng đen như của các Hồng vệ binh này cho người ta một công thức để căm ghét và tàn nhẫn một cách tiện lợi, không bị sao nhãng bởi băn khoăn, do dự, hoài nghi, xung đột nội tâm. Xung đột nội tâm là kẻ thù của sự tàn nhẫn, nó làm người ta mềm lòng, thương cảm đối phương. “Họ cũng chỉ là người thôi”, “ai chả có lúc này lúc kia" là những câu tối kỵ với những người cuồng tín khi họ nói về kẻ thù của mình. Cái ác, giống như trong các phim Holywood, cần phải bị phá huỷ, hoàn toàn và triệt để.
Để tàn nhẫn, người ta phải căm ghét. Càng căm ghét, người ta càng dễ tàn nhẫn. Những cuộc thánh chiến thường tàn bạo hơn các xung đột loại khác. Trong cuộc chiến chống lại quỷ dữ, người ta cho rằng không cần phải quân tử. Trong công cuộc diệt tà, không có biện pháp nào là quá cực đoan. Một kẻ hiếp dâm vì căm thù phụ nữ sẽ tàn nhẫn hơn rất nhiều một người hiếp dâm vì anh ta không kiểm soát được thôi thúc tình dục của bản thân.
Bất cứ chuyện gì cũng có thể khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, lên án. |
Những người tàn nhẫn vì lý tưởng cũng chối từ thấu hiểu nạn nhân, không muốn đặt mình vào vị trí của họ, không muốn tìm hiểu những vận hành tình cảm và tư duy của họ. Với họ, các bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý đánh trẻ vì bản chất ma quỷ bên trong họ, chứ không phải, không thể bởi họ bất lực trước công việc của mình, bởi họ không được đào tạo để có thể chịu được áp lực tinh thần, bởi cuộc sống vật chất và tinh thần nghèo nàn của họ, bởi quy trình quản lý của cơ quan hữu quan có vấn đề, v.v...
Họ khước từ cho đối phương một cơ hội để lý giải, bởi qua lý giải, đối phương có thể sẽ hiện ra như những con người. Và khi đó, những người cuồng tín sẽ không biện minh cho sự tàn nhẫn của mình được nữa.
***
Nhưng sự cuồng tín không giải thích được hết mọi chuyện.
Nó không giải thích được sự độc địa người ta quăng vào nhau khi tranh luận trên mạng về những điều bình thường nhất như cách thức nuôi dậy con, bú sữa mẹ hay uống sữa bò, về một chương trình ăn kiêng low carb, về việc một nghệ sĩ huỷ chuyến đi Trường Sa, về điệu bộ “đúng mực" mà một ca sĩ phải có khi hát nhạc Trịnh. Trong những câu chuyện này, không có ai bị hại, không có luật nào bị vi phạm. Phải có một lý do khác khiến họ nổi giận.
Tôi có cảm giác điểm chung ở đây là cái tôi của họ đã bị tổn thương.
Họ có những phản ứng dữ dội nhất trước những “khiêu khích” có thể là nhỏ nhất.
Vì sao họ lại làm vậy? Dường như vì họ luôn ở trong trạng thái lo lắng rằng cái tôi của mình bị đe dọa. Họ thường xuyên sợ mình bị hạ bệ, bị nhìn xuống, hình ảnh mình bị hoen ố. Họ có thái độ phòng vệ và thù địch, phản ứng nhạy cảm với những tấn công từ bên ngoài.
Họ không tự ti - những người tự ti luôn nghĩ mình không có giá trị gì, và do đó cũng không phẫn nộ khi bị coi thường. Họ cũng không tự tin - những người tự tin vững vàng về giá trị của bản thân, dù có bị công kích ra sao.
Trong những trường hợp này, họ cho rằng giá trị bản thân của mình rất cao, nhưng lại luôn lo sợ bị những người khác coi thường.
Tâm trạng này khiến họ nhìn thấy sự tấn công ở những nơi mà người khác không nhìn thấy.
Một cái cười mỉm, một ánh mắt lạ đều có thể được hiểu là một sự khiêu khích. Đó là lý do người ta đâm nhau khi thấy bị rót rượu không đều trong bữa tiệc, lý do một người vợ nổi cơn ghen tam bành khi thấy chồng thân thiện với một phụ nữ khác, lý do một người đàn ông đấm vợ khi cô ta chê cái xe máy mình mới mua. Đó là lý do người ta dùng ngôn từ đâm chém hai người ăn cắp kính ở Thuỵ Sĩ, vì họ đã làm “nhục quốc thể”.
Comment của bạn đọc lên án việc hai anh em trộm hàng hiệu ở Thụy Sĩ. |
Đâu đó đằng sau cái tôi dễ bị tổn thương là một sự bất lực, một cảm giác bất đắc chí, một sự chua chát về một cuộc đời không được toại nguyện. Để giải quyết cái bất hạnh và bất lực bên trong, người ta đi tìm một lý do bên ngoài để trừng phạt. Chân dung của các ông chồng bạo lực hiện ra qua các nghiên cứu xã hội như những người cho rằng mình không được cuộc đời đánh giá đúng. Đặc biệt họ nhạy cảm khi người vợ có vị trí xã hội cao hơn họ. Điều này đe dọa cái tôi của họ. Để phòng ngừa vợ mình không kính nể đúng mức, họ dùng vũ lực để tạo uy quyền.
Trong nhiều trường hợp, cái lý tưởng cuồng tín mà chúng ta bàn tới bên trên là một tấm voan khoác lên cái tôi bị tổn thương và đe doạ. Cái căm ghét và tàn nhẫn dành cho Hồ Ngọc Hà đến từ sự sợ hãi. Nếu cô người mẫu gây tai nạn vì vượt ẩu, người ta có thể sẽ dành hai phút để phẫn nộ, nhưng sẽ không đòi đưa cô ta lên máy chém vì tội thiếu trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Nhưng hành động “cướp chồng”, dù là chồng của người khác, là tiếng chuông nhắc nhở rằng chồng của họ luôn có thể bị “cướp” như vậy. Vì tuyệt vọng, họ tấn công. Họ lăng nhục và tàn nhẫn để có được cảm giác mạnh mẽ, mình đang kiểm soát đời mình.
Do đó, cũng hiểu được khi nhiều phụ nữ, ngoài những lúc lên mạng làm nhục những người “cướp chồng”, thì bận bịu tìm danh sách nhân viên trong công ty của chồng, đánh dấu những cô độc thân hay bỏ chồng để theo dõi đặc biệt, và cài cắm người theo dõi từ ngõ tới cổng công ty.
Trên trang mạng webtretho, chủ đề chia sẻ kinh nghiệm gài phần mềm gián điệp vào điện thoại của chồng để đọc lén tin nhắn dài mấy chục trang, với hàng nghìn ý kiến. Một mẹ tường thuật lại công đoạn cài đặt cuối, sau khi đã mất hàng tháng trời tìm cách quay lén video để mò ra được mật khẩu điện thoại của chồng.
Một mẹ khác dặn dò: “Nàng nào muốn theo dõi điện thoại chồng, phải đảm bảo tỉnh như 1 quả táo tàu cơ, mới không lộ mà hỏng chuyện. Như em đây, biết là lão sắp đi hẹn hò với bé kia mà em vẫn bình tĩnh là lượt quần áo phẳng phiu để cho "đẹp zai mới có nhiều đứa yêu" cơ =)))).
Đằng sau những nụ cười đắc thắng kia là cuộc sống đáng buồn của những con người đầy sợ hãi và đầy căm ghét, sẵn sàng nhảy xổ vào những kẻ vô tình hay cố ý nhắc nhở họ rằng hạnh phúc của họ là một lâu đài xây trên cát, vì chính họ cũng đang hoài nghi vào giá trị của bản thân. Nhiều khi người ta làm nhục người khác không phải vì một động cơ cao cả hay một lý tưởng tốt đẹp gì, nữ tác giả Marta Nussbaum viết trong cuốn “Nhục, ghê tởm và luật pháp”, mà nó chỉ thể hiện sự giận dữ của họ trước những giới hạn của cuộc đời mình.
Sự phẫn nộ của họ không hẳn, hoặc ít ra là không chỉ hướng tới cái vô đạo đức hay những thói tật xấu của người khác. Đằng sau tấm màn đạo đức là một cái hoang sơ hơn rất nhiều: Họ làm nhục người khác bởi đó là cách duy nhất để họ bảo vệ cái tôi mỏng manh, dễ đổ vỡ của mình. Trớ trêu thay, sự tàn nhẫn của những phụ nữ này xuất phát từ nhu cầu được yêu thương.
“Tôi cho rằng độc ác chỉ là sự cô đơn được hoá trang thành cay đắng" - Tom Hiddleston |
Một yếu tố quan trọng nữa là những người “thiện" cuồng tín và những cái tôi bị đe dọa kia không đơn lẻ, họ hành động trong một đám đông.
Nếu như ở thời kỳ tiền Internet, đám đông thường chỉ hình thành khi có người hô lên “Trộm!” thì ngày nay, đám đông cũng rất nhanh chóng xuất hiện từ hư không khi ai đó kêu lên “Đạo văn!”, hay “Cướp chồng!”, hay “Có đứa chửi phương Tây!”.
Đám đông của những người “thiện” cuồng tín như triều dâng. Một cá nhân có thể sẽ suy nghĩ xem có nên dùng bạo lực để trừng phạt người phạm chuẩn hay không, nhưng khi một đám đông hình thành, sẽ không có thời gian cho các suy nghĩ. Chúng ta cần người khác ủng hộ niềm tin của mình để biến nó thành hành động.
Đám đông khiến người ta đánh mất cảm giác mình là một cá thể.
Trăm người như một. Không còn ý thức về bản thân, các thành viên của đám đông không còn khả năng đánh giá các hành vi của mình một cách thấu đáo, và qua đó, khả năng kiềm chế bản thân. Lúc đó, dường như người ta bị một thế lực bên ngoài sai khiến.
Ca sĩ Mỹ Linh trở thành tâm điểm dư luận khi phá cách hát Quốc ca. |
Trong một đám đông, các cá nhân cũng dễ trở nên tàn nhẫn vì họ đánh mất cảm giác về trách nhiệm của bản thân. Không thấy có trách nhiệm thì không cảm thấy có lỗi, không cảm thấy có lỗi thì cơ chế tự kiểm soát và ngăn cản những hành vi gây hại không được kích hoạt. Điều này có thể thấy rõ nhất qua việc hàng trăm ngàn người chia sẻ clip sex của nữ sinh T. 15 tuổi.
Kể cả khi tin về cái chết của T. loang ra, người ta cũng không hình dung ra là mình có một phần trách nhiệm trong đó. Sự liên quan giữa hành động đơn lẻ của một cá nhân và tác hại do cả một tập thể gây ra quá trừu tượng.
Ai chịu trách nhiệm cho cái chết của T.?
Câu trả lời của cộng đồng mạng là “Tự làm thì ráng chịu, giờ còn trách ai?”
Tương tự, ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của người ăn trộm chó: Người hô hoán có trộm? Những người đuổi theo trộm? Những người quây trộm lại? Những người đấm đầu tiên? Những người đạp sau cùng? Có bao nhiêu người trong đám đông đó coi mình là kẻ giết người?
Cuối cùng, tập thể khiến các cá nhân ngại bày tỏ các hoài nghi của mình. Có thể một số đang tự hỏi “liệu mình có đang đi quá đà không, liệu có cần phải nhục mạ người ta như vậy không?” nhưng trong một tập thể giận dữ, ít người có đủ dũng cảm để lên tiếng kêu gọi sự tỉnh táo. Không những im lặng “cho lành”, người ta bóp chết những hoài nghi của mình, thậm chí xấu hổ vì mình là một kẻ yếu đuối.
Kết quả là trong nhiều trường hợp, quan điểm và phát ngôn của những kẻ cực đoan nhất trở thành quan điểm của tập thể.
Trong vụ Dương Tường, người ta thấy hai, ba cái tên nổi lên, luôn luôn và bền bỉ theo đuổi mục đích làm nhục và đâm chém Dương Tường bằng ngôn từ, cứ như đó là mục đích sống của họ. Khi một đám đông tự trao cho mình quyền để tàn nhẫn, những người hằn học nhất, thù hận nhất thường hay nổi lên như những người cầm đầu. Lúc đó, theo tác giả Roy Baumeister, những người cuồng tín nhất hay được đưa vào những vị trí lãnh đạo về đạo đức.
“Tập thể sẽ bạo lực hơn các thành viên cấu thành nên nó,” ông viết, “và khi tay của các thành viên đã nhuốm máu, đã quá muộn để họ đặt câu hỏi về mục đích chung của cả nhóm, khả năng lớn hơn là họ sẽ tiếp tục xuống tay tiếp”.
ĐẶNG HOÀNG GIANG - LAODONG