Lần cuối cùng nhà Quốc hội Mỹ bị đột nhập như thế này là từ năm 1814, hơn 200 năm trước đây. Những người đột nhập khi đó là của quân đội Anh, chứ không phải những công dân sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ như lần này.

42 1 Thu Nuoc My Den Luc Tu Do Kieu My Phai Thay Bang Tu Do Trong Khuon Kho

Ngày hôm qua, 6/1/2021, là một ngày đen tối của nước Mỹ. Khi Quốc hội Mỹ đang tổ chức phiên họp xác nhận kết quả bầu cử, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã phá hàng rào an ninh, phá cửa và tràn vào bên trong Điện Capitol, đối đầu với cảnh sát có vũ trang, đập phá một số trang thiết bị.

Sự cố khiến cuộc họp phải tạm dừng, trong khi các nghị sĩ tìm nơi ẩn nấp hoặc được sơ tán. Tính đến hôm nay, 4 người, tất cả đều là thường dân, đã chết.

42 2 Thu Nuoc My Den Luc Tu Do Kieu My Phai Thay Bang Tu Do Trong Khuon Kho

Cuộc bạo loạn trước tòa nhà Quốc hội Mỹ khiến cả thế giới choáng váng.

Trật tự sau đó đã được lập lại, Quốc hội tiếp tục phiên họp của mình. Phó Tổng thống Pence đã xác nhận Tổng thống đắc cử Joe Biden giành chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri sau phiên họp lưỡng viện. Tuy nhiên cảm xúc đọng lại là một sự bẽ bàng và thất vọng trên toàn nước Mỹ. Có thể nói nền dân chủ Mỹ đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao nước Mỹ lại trở lên như vậy?

Tuy nhiên, liệu Trump có phải là tất cả nguyên nhân của cuộc hỗn loạn này? Là một người quan sát nghiệp dư với những hiểu biết hạn hẹp về chính trị, tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi đó.Nhiều nhà phân tích, trong đó có Ed Pilkington của Guardian, đã nhận định, "chủ nghĩa Trump" đã dẫn đến hỗn loạn ở Điện Capitol.

Nhà báo Dan Balz của Washington Post viết "Trump đã sử dụng quyền lực của của mình không phải để xoa dịu sự tức giận và thù địch mà để làm tăng thêm nó. Không đáng ngạc nhiên khi trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông, nó bùng nổ thành cuộc hỗn loạn phản đối kết quả bầu cử ngày 6/1".

Cũng với sự hiểu biết hạn hẹp và những trải nghiệm trong hơn 6 năm sống trên đất Mỹ, tôi xin đưa ra vài quan sát, câu hỏi và cũng có thể là một phần của câu trả lời.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng này có sự góp mặt của công nghệ mới, đặc biệt là các mạng xã hội. Trong một thời gian dài, Tổng thống Trump đã dùng Twitter, Facebook…- những kênh thông tin phi truyền thống - để tương tác trực tiếp với những người ủng hộ mình. Ngay trong ngày 6/1, cả Twitter và Facebook đều đã khoá tài khoản của Tổng thống Trump.

Những diễn biến này cho thấy mạng xã hội đã trở thành một quyền lực mới: chúng vừa là một kênh thông tin mới, vừa có quyền tự mình quyết định sự tương tác của một nhân vật chính trị trên kênh thông tin đó. Câu hỏi đặt ra là các mạng xã hội, với người dùng trên toàn cầu, sẽ dùng chuẩn mực nào, của đất nước nào, hay tự mình đặt ra các tiêu chuẩn, để kiểm soát, đánh giá, và quyết định các thông tin trên đó? Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các mạng xã hội và chính quyền các nước để đặt ra các chuẩn mực và tiêu chuẩn này.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng này có liên hệ chặt chẽ với quyền tự do của người dân Mỹ. Trong 6 năm ở Mỹ, tôi đã đi thăm Điện Capitol của nước Mỹ cùng với Điện Capitol ở một số bang của nước Mỹ. Ở những nơi đó, tôi được tự do tham quan, thậm chí vào tham quan phòng họp của các Nghị sỹ mà không cần phải trình bày giấy tờ gì. Họ không quan tâm tôi là ai, đến từ đất nước nào. 

Ở những nơi đó, tôi cũng thấy rất nhiều người biểu tình, và họ tập trung biểu tình ngay sát toà nhà, trên sân, hay trong vườn của toà nhà Quốc hội. Sự tự do đó, đối với phía cá nhân tôi, thật tuyệt vời. Tuy nhiên, mặt khác nó cũng đem đến những nguy cơ cho chính quyền. Tôi tự hỏi, cuộc hỗn loạn hôm qua sẽ lớn đến đâu nếu trong những người biểu tình đã đột nhập vào Điện Capitol, có những người cầm súng, thứ được cho phép trong hiến pháp Mỹ, và trong khi tức giận họ bắn vào các nghị sỹ?

42 3 Thu Nuoc My Den Luc Tu Do Kieu My Phai Thay Bang Tu Do Trong Khuon Kho

Một hệ thống vận hành dựa trên pháp luật và niềm tin sẽ chậm trễ trong việc ngăn chặn khủng hoảng bùng phát.

TS Vũ Thành Long

Liệu một cuộc khủng hoảng toàn diện, leo thang, hay tệ hơn là một cuộc nội chiến mới có thể bị châm ngòi từ sự tự do quá mức và mất kiểm soát như vậy. Tôi không dám tưởng tượng tiếp. Nhưng tôi tin rằng, cần có một giới hạn cho sự tự do, hay sự tự do trong khuôn khổ, trong đó nền tảng đạo đức, chuẩn mực và lợi ích xã hội phải được đặt lên trên hết để có thể ngăn chặn những cuộc khủng hoảng như vậy.

Thứ ba, nước Mỹ vận hành dựa trên pháp luật và niềm tin. Tôi xin đưa ra một ví dụ nhỏ: ở nước Mỹ, bạn có thể dễ dàng vào các siêu thị lấy đồ, không trả tiền mà hầu như không có ai ngăn bạn lại. Tuy nhiên, sau đó cảnh sát có thể sẽ tìm ra bạn dựa trên các camera ghi hình ở siêu thị. Phần lớn mọi người đều tin rằng khi họ làm gì sai họ sẽ bị pháp luật trừng trị.

Niềm tin (hay nỗi sợ) vào pháp luật sẽ ngăn người Mỹ làm những điều sai trái. Tuy nhiên, với những người biểu tình hôm qua, những người đã mất niềm tin và không biết sợ pháp luật, có rất ít trở lực để ngăn họ làm điều sai trái. Thực tế đã xảy ra như vậy. Theo tôi, một hệ thống vận hành dựa trên pháp luật và niềm tin sẽ chậm trễ trong việc ngăn chặn khủng hoảng bùng phát.

Nước Mỹ, người Mỹ sẽ rút ra nhiều bài học sau cuộc hỗn loạn ngày 6/1. Các nước trên thế giới cũng có thể nhìn vào và rút ra những bài học riêng cho mình. Chắc chắn cần có những sự thay đổi và cách tiếp cận mới.

TS Vũ Thành Long sinh năm 1984, từng là nhà khoa học nghiên cứu (research scientist) kiêm giảng viên Học viện Công nghệ Massachussets (MIT) ở Boston. Hiện anh đang là nhà nghiên cứu của một tổ chức khoa học lớn tại Seatlle, Hoa Kỳ.

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC