Bộ sưu tập thời trang mới nhất của nhãn hiệu Ne Tiger đã gây nên phản ứng phẫn nộ trong dư luận Việt, đặc biệt là việc sử dụng mẫu áo dài, nón lá truyền thống của Việt Nam và gọi đó là thời trang "phong cách Trung Quốc", đồng thời mang thêm ý đồ quảng bá cho kế hoạch địa chính trị "Vành đai- Con đường" của Trung Quốc.
Các thiết kế nằm trong bộ sưu tập của nhãn hiệu Ne Tiger của Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình China Fashion Week
Theo ThS. Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bộ sưu tập này đã cho thấy rất rõ ràng một trong số nhiều cái xấu của người Trung Quốc. Đó là quan điểm mọi thứ trên thế giới đều là của Trung Quốc, luôn "vơ vào mình" mọi nền văn hóa trên thế giới, coi đó là "sự kế thừa" và cách tân.
Bên cạnh đó, việc đặt tên cho bộ sưu tập là "Một vành đai" còn thể hiện rõ "sự xâm lăng về văn hóa" của Trung Quốc.
Trước hết, Trung Quốc có một nền văn hóa vĩ đại, lâu đời và đặc sắc nhưng cũng có nhiều cái xấu đã tạo thành cái danh mà chính người Trung Quốc đã nhận ra và viết thành sách "người Trung Quốc xấu xí". Một trong số đó là tư tưởng Đại Hán, tự coi mình là trung tâm tinh hoa của thế giới, phủ nhận bất cứ sự sở hữu của các quốc gia khác.
Trường hợp bộ sưu tập của nhãn hiệu Ne Tiger này không nằm ngoài tư tưởng đó. Bộ sưu tập đã sử dụng các mẫu trang phục truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, đa số là các quốc gia nằm dọc con đường tơ lụa trên biển cách đây 613 năm. Tuy nhiên, thay vì giới thiệu cụ thể trang phục được kế thừa của trang phục truyền thống nước nào thì báo chí Trung Quốc khi giới thiệu bộ sưu tập này đã cố tình làm lẫn lộn và giảm nhẹ đi tính chất sở hữu văn hóa của quốc gia đó.
"Họ nói họ 'lấy cảm hứng' từ trang phục truyền thống của các quốc gia chứ không phải là 'kế thừa' chúng. Trong thế giới hiện đại, tôn vinh quyền sở hữu, không thể có chuyện lẫn lộn như vậy được" - ThS. Hoàng Việt cho biết.
Theo phân tích của ThS. Hoàng Việt, giới thiệu bộ sưu tập cũng chỉ liệt kê hàng loạt các quốc gia có trang phục truyền thống đã được sử dụng để 'lấy cảm hứng' thay vì nhắc đến tên của từng quốc gia sở hữu mẫu trang phục đó.
Đơn cử như bài viết được Sina đăng tải hồi tháng 10/2018 cho thấy, bộ sưu tập của Ne Tiger có chủ đề Nhất đới (Một vành đai) được “lấy cảm hứng” từ trang phục truyền thống của mười mấy quốc gia nằm dọc con đường tơ lụa trên biển cách đây 613 năm. Các phụ kiện đi cùng trang phục là "được thêm vào để tăng phần bắt mắt, độc đáo". Như vậy, bài viết này không ghi nhận bất cứ trang phục truyền thống của quốc gia nào được sử dụng trong bộ sưu tập.
Trong khi trang China fashion week giới thiệu: "Với chủ đề Một vành đai, các nhà thiết kế của Ne Tiger đã dành hơn 1 tháng tại các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia... và đem tất cả những kho tàng văn hóa và nghệ thuật quý giá đã trải qua hơn 100 năm... để khiến cho văn hóa lịch sử của các quốc gia này cùng hòa hợp và một lần nữa lại tiếp tục thăng hoa”. Bài viết này thậm chí còn cho thấy một điều là sự đánh đồng văn hóa của các quốc gia được liệt kê với văn hóa của người Trung Quốc, mượn cái cớ 'toàn cầu hóa' để nhào nặn các nền văn hóa khác nằm trong tủ đồ văn hóa Trung Quốc.
Vị chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc vi phạm các sở hữu văn hóa không phải quá khó hiểu. Trung Quốc đã luôn tìm mọi cách để phô trương tầm ảnh hưởng của mình lên toàn thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, quân sự... Tới nay, Trung Quốc tìm cách áp đặt cả những lĩnh vực khác như một loại "sức mạnh mềm" đó là áp đặt về văn hóa. Bộ sưu tập của nhãn hiệu Trung Quốc nói trên là một ví dụ về điều đó.
Nhắc tới bộ sưu tập mang tên "Nhất đới", ThS. Hoàng Việt lưu ý tới cách nhãn hiệu Trung Quốc đang muốn "làm sống lại" con đường tơ lụa từ cách đây hơn 600 năm với con đường tơ lụa mà Trung Quốc đang theo đuổi, mang tham vọng về chính trị, quân sự, kinh tế và cả văn hóa.
"Trung Quốc luôn đưa ra các cách nói mơ hồ, những diễn giải theo cách của mình, theo cách ít được thế giới chấp nhận. Họ đề cập tới toàn cầu hóa trong lĩnh vực thời trang để lý giải về thiết kế này.
Thực chất, toàn cầu hóa là kết nối quốc gia với nhau. Đây là xu thế tất yếu. Nhưng trong toàn cầu hóa, mỗi quốc gia sẽ đóng góp riêng bản sắc của mình chứ không phải trộn lẫn với các bản sắc của quốc gia khác theo như diễn giải của nhãn hiệu Trung Quốc trong trường hợp bộ sưu tập "Nhất đới".
"Chúng ta cần tiếp tục xem lại ứng xử với Áo dài truyền thống Việt Nam đã được giới thiệu với toàn cầu hay chưa. Nếu chứng minh được cho thế giới thấy rõ đây là Áo dài Việt Nam, Nón lá Việt Nam thì tự khắc thế giới sẽ phủ nhận những gì mà Trung Quốc đưa ra.
Việc chúng ta cần làm hiện nay là phải lên tiếng. Nếu chúng ta im lặng, họ sẽ coi điều đó đã được chấp thuận. Theo cách diễn giải của mình, Trung Quốc sẽ quy mọi diễn giải ra câu chuyện về chủ quyền" - ThS. Hoàng Việt kết luận.
Cúc Phương
Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT