Hơn 15 năm trước, một người rất thành đạt nói với tôi: 'Người giàu có (thành công) là người có đủ thời gian và tiền bạc để làm những điều mình muốn'. Tôi vẫn còn ấn tượng và luôn suy ngẫm về câu nói đó đến nay.
Trước câu hỏi "Nhiều tiền để làm gì?", đa số bạn bè đều trả lời với thái độ đùa cợt,.
Người nghiêm túc hơn thì bảo "Khi nào có nhiều tiền, anh sẽ không hỏi câu đó nữa", hoặc "khi có nhiều tiền rồi hãy hỏi".
Có người cũng nói "Câu hỏi dành cho chúng ta nên là làm gì để nhiều tiền?".
Vấn đề là đa số mọi người không xác định được con số cụ thể là bao nhiêu.
- Thu nhập bao nhiêu một tháng là đủ?
- Tài khoản ngân hàng có bao nhiêu là đủ?
Vì sao? Vì không ai chắc chắn đến khi đạt được con số đó, mình sẽ thấy đủ.
Trừ một số rất ít người mà với họ tiền chỉ là những con số trong tài khoản ngân hàng, có thể đáp ứng mọi nhu cầu mà họ nghĩ ra, còn lại đa số đều cảm thấy thiếu, thấy thu nhập, tài sản của họ chưa đủ so với nhu cầu.
Những câu hỏi tu từ như "nhiều tiền để làm gì" hay"tiền bạc không quý bằng tình nghĩa" thường chỉ có ý nghĩa, khiến người khác suy ngẫm khi nó được những người có rất nhiều tiền nói ra.
Một người tuyên bố "tôi không cần nhiều tiền" thường là người không có khả năng kiếm nhiều tiền.
Vấn đề phát sinh là do sự chênh lệch giữa mong muốn và thu nhập thực tế. Đa số giải quyết theo hướng tăng thu nhập, không mấy ai nghiêm túc xem xét cụ thể mong muốn của mình có vấn đề hay không.
Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển có quá nhiều thứ để truy cầu, đến mức không ai tin một người có thể cảm thấy đủ khi đang có ít tiền.
Ảnh minh họa: MINH PHƯỢNG
Tôi để ý cách người ta làm truyền thông cho sản phẩm, dịch vụ, cách người ta "tạo ra nhu cầu" và kiếm lợi từ những nhu cầu đó.
Tôi tự hỏi, và từng hỏi nhiều người với nhiều mức thu nhập khác nhau, rằng họ cảm thấy kiếm tiền bao nhiêu là đủ.
Từ sinh viên làm thêm, người mới ra trường, đến những người làm cho các công ty lớn, thậm chí là một vài chủ doanh nghiệp, những con số thu nhập hàng tháng từ vài triệu đến vài chục triệu, không một ai thấy đủ, và cũng không ai nói được con số họ cảm thấy đủ là bao nhiêu.
Nhiều người cũng hay bảo kiếm tiền nhiều một chút để phòng khi hữu sự, ốm đau bệnh tật, hoặc gia đình túng thiếu thì dễ cáu gắt, mất hạnh phúc…
Tôi lại thấy nhiều gia đình vì mải kiếm tiền mà mất hạnh phúc.
Tôi cũng thấy nhiều bạn trẻ bỏ quá nhiều thời gian, sức lực, làm việc trong môi trường độc hại mà dẫn đến bệnh đau, tiền kiếm được không đủ chữa...
Tôi chỉ biết rằng nếu kiếm tiền để phòng bệnh thì chính là con đường dẫn đến bệnh thật.
Tạm không bàn đến những người kinh doanh, hơn 90% nhân loại đang làm thuê, vì sao kiếm bao nhiêu tiền cũng không đủ?
Tôi tìm được một phần lời giải cho câu hỏi đó khi đọc Rich dad, poor dad của Robert Kiyosaki.
Ông đưa ra hai khái niệm khác biệt là "assets" và "liabilities" - Tài sản và tiêu sản.
Tài sản là những gì mang lại giá trị gia tăng theo thời gian, hoặc sinh ra tiền, còn ngược lại tiêu sản là thứ càng ngày càng mất đi giá trị, hoặc bạn phải tiêu thêm tiền cho chúng hàng ngày.
Ta đang ở đâu trong những "cấp bậc" của sự hưởng thụ cuộc sống?
Có nên ngừng một chút để học về cách quản lý đồng tiền, để xem đâu là tài sản, là tiêu sản mình đang giữ và muốn mua thêm, để xem nhu cầu nào thật sự cần thiết, nhu cầu nào bị người khác dẫn dắt?
Muốn đạt đến ngưỡng "tiền chỉ là những con số" là một chặng đường rất xa. Điều quan trọng không phải là nó xa, mà là ta sẽ luôn cảm thấy không đủ.
Càng có ít tiền, càng phải quản lý, nếu không, đến khi có nhiều hơn, ta cũng làm thất thoát, hoặc chả bao giờ có nhiều hơn được.
Tiền có thể mua được hạnh phúc không?
Có, nếu ta tiêu tiền để mang lại hạnh phúc cho một người nào khác. Và ta sẽ tiêu tiền cho ai khi mải kiếm tiền?
Theo bạn, có tiền nhiều để làm gì?
- Tiền mua được gì?
- Tiền có gắn kết được tình yêu không?
- Khi nào tiền vô nghĩa?
- Ly hôn yêu cầu chia tiền có gì xấu?
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online