Từ bao giờ các quan chức lại đến trường đánh trống khai giảng? Ai đang thực sự là “trung tâm” trong nhà trường, học sinh hay người khác?

1 Tra Chiec Dui Trong Lai Cho Nha Truong

Khai giảng (tên gọi cũ là khai trường) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học...

Mạng xã hội lại chia sẻ ngập tràn hình ảnh những vị lãnh đạo cấp cao trong “quá khứ gần” từng đánh trống khai giảng ở các trường học trên nhiều địa phương, nhưng bây giờ đang ngồi tù vì đủ các loại tội danh. Trong những hình ảnh ấy, không chỉ có sự mỉa mai, phê phán, mà hơn hết, là một nỗi xót xa.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại nơi việc đòi hỏi tìm được đúng những vị lãnh đạo có đủ “tâm - tầm - tài” để đánh tiếng trống trang trọng cho ngày đầu năm học mới; mà quan trọng hơn, nó đặt ra câu hỏi: vì sao lãnh đạo của các cơ quan hành chính lại là người đánh trống chứ không phải thầy hiệu trưởng?

Khai giảng (tên gọi cũ là khai trường) là chuyện của ngành giáo dục, chuyện của thầy cô và người học, chứ không phải nơi chốn của những người quản lý hành chính.

Sự hiện diện của quan chức trong bộ máy công quyền vào ngày khai giảng (và trong giáo dục nói chung) nên dừng lại ở mức độ khách mời và như một cam kết về nghĩa vụ chăm lo các điều kiện về chính sách cho giáo dục, chứ không phải là “lãnh đạo” giáo dục. Ngày nay, việc họ đứng lên “chỉ đạo” trong môi trường tri thức mà ở đó họ thường không có thẩm quyền chuyên môn và cũng ở đó quan hệ thầy trò là thiêng liêng và thuần khiết, đang khiến chúng ta nhìn thấy những bất ổn trong phân chia quyền lực, nếu không nói là đảo lộn.

Khi quyền lực hành chính ngự trị trong môi trường giáo dục, nó làm phát sinh hàng loạt những vấn nạn: cửa quyền hoành hành, sự thật bị bóp méo, giáo dục thành giáo điều.

Tôi còn nhớ như in một kỷ niệm, đó là trong dịp khai giảng của trường tôi cách đây vài năm. Khi đó, trường mời được lãnh đạo từ huyện đến tỉnh về dự và sẽ “phát biểu chỉ đạo”.

Học sinh và giáo viên cầm cờ đứng xếp hai hàng từ ngoài cổng vào đến sân khấu từ sáng sớm để đón lãnh đạo. Được lệnh từ trước của hiệu trưởng, khi có vị lãnh đạo nào bước vào thì tất cả phải tươi cười vẫy cờ; khi lãnh đạo vào tới lễ đài thì tất cả giáo viên phải đứng dậy chạy lại bắt tay mừng rỡ…

Trong buổi họp hội đồng đầu năm sau lễ khai giảng ấy, một số giáo viên đã bị nêu tên và “phê bình” gay gắt vì đã “thiếu nhiệt tình” khi không chủ động lại chào lãnh đạo.

Đó là một một nỗi ê chề của những người làm thầy, đó cũng là bằng chứng sinh động cho tình trạng nhà giáo bị coi thường, bị bắt nạt và khiến hai chữ “tôn sư” trở thành rỗng nghĩa và thành hình thức suông. Trong môi trường giáo dục mà nhà giáo không được tôn trọng đến mức ấy thì thử hỏi làm sao việc dạy dỗ có thể mang lại kết quả gì tốt đẹp?

Chừng nào giáo dục còn chưa có được một vị trí độc lập xứng đáng, chừng nào nhà giáo còn chưa được tôn trọng và đề cao, chừng ấy chúng ta còn phải chứng kiến đủ thứ bệnh trạng mà các biện pháp “cải cách” đủ loại khó lòng mà mang lại một sự thay đổi đáng kể nào.

Cần phải trả chiếc dùi trống lại cho nhà trường, trả sự tôn nghiêm lại cho quan hệ thầy trò, trả sự trong sáng lại cho môi trường giáo dục…, lúc ấy mới mong giáo dục sẽ thay da đổi thịt.

Thái Hạo (Báo Nông Nghiệp Việt Nam)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC