Người dân tràn cả ra đường để cầu cúng.
- Dòng người xì xụp khấn vái, dù hết tháng Giêng mà vẫn chưa hết không khí hội hè… Nhìn vào bức tranh đời sống tâm linh ấy của người Việt, tiến sĩ có suy nghĩ gì?
- Tôi phải nói thật, mê tín dị đoan đang tồn tại trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam và nhiều nước ở Châu Á. Ở phương Tây, người dân vẫn đến đền, chùa, nhà thờ nhưng để tìm bình an, chứ không phải để cầu khấn, xin xỏ như cách người dân ở ta đang làm.
Có điều này là do chúng ta bị ảnh hưởng của văn hóa lúa nước, tâm lý phụ thuộc vào thiên nhiên. Người dân cầu trời, cầu đấng thần linh mà mình không biết để phù hộ cho mình. Ở một xã hội công nghiệp, người ta không trông chờ vào thiên nhiên, thần linh để tồn tại như thế.
- Những năm gần đây rộ lên phong trào đi dâng sao giải hạn ở các chùa. Nhiều nhà nghiên cứu nói tục này hiện ở mức mê tín dị đoan, quan điểm của bà ra sao?
- Tôi đã có thời gian nghiên cứu về Phật giáo và khẳng định trong văn hóa Phật giáo không cho phép cúng sao giải hạn Chính Đức Phật cũng nói rằng Ngài không có pháp thuật mà chỉ giúp con người ngộ ra về bản chất của cuộc sống để không tham sân si mà thôi.
Nguồn gốc dâng sao là từ Đạo giáo của Trung Quốc. Đạo giáo quan niệm con người sinh ra đều có sao chiếu mệnh, trong đó có sao xấu và tốt. Thực ra việc làm này không đúng, vì xưa nay không ai giải được hạn cả.
Tiếc là, người dân u mê đã đành, nhiều nhà chùa còn lợi dụng điều này để tăng thêm thu nhập cho chùa. Tôi biết có nơi, mỗi mùa giải hạn có thể thu hàng chục tỉ đồng. Không chỉ có dịch vụ giải hạn, có chùa còn tổ chức bài trừ tà ma, đuổi ma. Điều này làm mê tín dị đoan ngày càng tăng.
- Cụm từ “kinh doanh tâm linh” gần đây được nhắc đến để chỉ việc đang có phong trào doanh nghiệp đua nhau xây chùa, đúc tượng. Bà nhìn nhận ra sao về hiện tượng này?
- Hiện nay có một vấn đề mà ai cũng nhận ra là thu nhập của nhà chùa không hề bị quản lý. Vì thế, người ta đua nhau xây nhiều chùa, đúc tượng thật to và biến nhà chùa trở thành công ty kinh doanh.
Luật pháp của chúng ta tôn trọng tôn giáo, nhưng là tôn trọng những tôn giáo có quan điểm nhân sinh đẹp, ý nghĩa, chứ không phải là kiếm ăn trên quyền lợi của người dân.
Việc kinh doanh tâm linh không phải chỉ vấn đề người dân mất tiền, mà dễ bị lung lạc niềm tin trở thành mê tín dị đoan.
Nếu tôn giáo biến thành thứ để kinh doanh thì rất kinh khủng, những chân lý tốt đẹp sẽ bị nhuốm màu vật chất. Khi đó, chúng ta sẽ không thể có một đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh.
- Theo tiến sĩ, để có một đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, chúng ta cần bắt đầu từ đâu?
Văn hóa tâm linh là một điểm đặc biệt của văn hóa phương Đông và Việt Nam. Đặc điểm này cũng làm sâu sắc đời sống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam, nhưng trong văn hóa tâm linh không chứa đựng phần mê tín dị đoan. Từ xưa, cha ông ta đã lên án nạn buôn thần bán thánh.
Tiến sĩ Đoàn Hương.
Ngày nay cũng vậy, văn hóa tâm linh để khắc sâu tình yêu quê hương đất nước, các bậc anh hùng, tổ tiên đã hy sinh vì đất nước chứ không phải vì mê tín dị đoan. Điều này cần phải phân biệt rõ ràng và những cơ quan công quyền, mà cụ thể là Bộ Văn hóa phải có kế hoạch ngăn chặn quyết liệt.
Ngoài sự vào cuộc của cơ quan quản lý cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân. Việc tuyên truyền phải bắt đầu từ giáo dục.
Nhà trường cần dạy học sinh về cách ứng xử với văn hóa, tôn giáo. Nội dung này có thể đưa vào môn Giáo dục công dân.
Ví dụ, cần dạy học sinh văn hóa Phật giáo không hề đưa đến sự mê tín mà khuyên chúng ta sống hướng thiện. Khi học sinh có kiến thức và hiểu về tôn giáo, các em sẽ có ứng xử đúng, không đặt niềm tin đến mức u mê.
zing.vn