“Hiền sân bay” là biệt danh mà cư dân mạng dùng khi nhắc đến nữ Đại úy Lê Thị Hiền (công an quận Đống Đa, Hà Nội), người đã đại náo sân bay Tân Sơn Nhất cách đây ba tháng. 

42 1 Tu Dau Lai Co Viet Tram Dung Hien San Bay

42 2 Tu Dau Lai Co Viet Tram Dung Hien San Bay

Tương tự, “Việt trạm dừng”, tức Thượng úy Nguyễn Xô Việt (công an thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), người có hành động ném xúc xích và tát vào mặt nhân viên trạm dừng nghỉ hôm 10-11.

Cả hai cán bộ công an nêu trên được dư luận chỉ mặt đặt tên bởi cùng có những hành vi kém văn minh, thiếu chuẩn mực, nếu không muốn nói là thiếu văn hóa nơi công cộng, làm nhiều người choáng bởi những hành vi ấy vượt quá ngưỡng của những hành xử bình thường.

Trong khi họ đều là những cán bộ công an - một đại diện của bộ mặt công quyền và thuộc diện những người có ăn có học, được xã hội tôn trọng bởi nghề nghiệp của chính họ.

Dễ dàng nhận thấy hai vụ việc có nhiều điểm chung:

Người có hành vi phản cảm là cán bộ công an, nơi xảy ra vụ việc là nơi công cộng và trước mặt trẻ em (chính là con của hai cán bộ trên), thời điểm xảy ra vụ việc là ngoài giờ thi hành công vụ, hành vi phản cảm là xúc phạm người khác, thách thức, ngông nghênh, thậm chí động tay động chân đánh người.

Thêm một điểm chung nữa là tất cả đều được quay lại bằng camera giám sát nên… hết đường chối!

Chính vì có những điểm chung như thế nên dễ hiểu là vụ anh Việt làm người ta nhớ ngay đến vụ bà Hiền trước đó với những bình luận tương đồng:

Không chấp nhận những con người bạo lực, có hành xử coi thường thiên hạ như thế đứng trong hàng ngũ công an nhân dân (CAND).

42 3 Tu Dau Lai Co Viet Tram Dung Hien San BayCông an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an thị xã Phổ Yên.

Vấn đề cần mổ xẻ là tại sao họ, những người công tác trong một ngành rất đặc thù, đại diện cho pháp luật, thay mặt Nhà nước thực thi pháp luật, lại có những hành xử giẫm lên những chuẩn mực ứng xử nơi công cộng và pháp luật như vậy?

Phải chăng đó xuất phát từ kiểu suy nghĩ mình là số một, ta là cán bộ nắm quyền lực trong tay, hay từ lý do nào khác, không loại trừ cả lý do từ vị trí nghề nghiệp?

Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh xử lý tình huống của người cán bộ CAND ở những người này được thực hiện thế nào mà khi xảy ra chuyện, người thì sấn sổ “mày đánh tao đi”, người thì ném đồ, xông tới tát vào mặt người khác…?

Ngành công an là một ngành luôn có những tiếp xúc, va chạm với người dân, cho nên việc giữ gìn hình ảnh đặc biệt quan trọng. Việc giữ gìn hình ảnh ấy không chỉ khi anh đang mặc trên người sắc phục công an, thi hành nhiệm vụ mà còn ngay cả trong đời thường.

Chính vì lẽ đó mà năm 2017, bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư 27 quy định về quy tắc ứng xử của CAND, trong đó có phần ứng xử nơi công cộng. Nhưng rất rõ ràng là hành vi của Thượng úy Nguyễn Xô Việt hay Đại úy Lê Thị Hiền đã trở thành một vết mực đen bôi lên hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ CAND mà toàn ngành công an đang dày công xây dựng.

Để tẩy đi vết mực đen ấy, cần phải xử nghiêm để làm răn cho những trường hợp khác. Và với những trường hợp đã rõ như thế, quy trình xử lý cần phải nhanh. Có như thế mới thể hiện rõ được quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của ngành.

THANH HOA

Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật TP.HCM




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC