Về thể trạng trung bình, người Lào chưa chắc đã có chiều cao bằng người Việt. Nhưng về văn hóa lái xe và tham gia giao thông, tài xế ở ta đang “lùn” hơn họ.
Chúng tôi đã có may mắn được lái xe với quãng đường hơn 2000 cây số đi dọc Bắc Lào. Phải đi mới thấy, cách lái xe hay văn hóa giao thông trên nước bạn còn “văn minh” hơn chúng ta một bậc.
Qua cửa khẩu Quốc tế Cầu treo, vượt gần 500 km, chúng tôi đến được Viêng Chăn, thủ đô của đất nước Lào.
Điều khác biệt ở nơi đây trên quãng đường dài là không có một CSGT bắn tốc độ xe ôtô chạy quá tốc độ tối đa cho phép, người dân tham gia giao thông dọc trên quốc lộ không có một tiếng còi, họ nhường đường, xi-nhan ra hiệu để xin vượt ở những đoạn đường mà họ cảm thấy an toàn cho chính mình và cho người khác đang tham gia giao thông.
Sự ngạc nhiên tiếp theo là đi khắp đường phố Viêng Chăn, nhưng chúng tôi rất hiếm được nghe những tiếng còi xe.
Các tài xế ở đây hầu như không thích dùng còi, trừ những trường hợp cực chẳng đã, hoặc sắp có thể gây tai nạn.
Bóp còi xe inh ỏi khi tham gia giao thông trên đất nước Lào như là điều xa xỉ.
Theo một người dân bản địa, khi tham gia giao thông ở Thủ đô Viêng Chăn, người điều khiển phương tiện dùng còi bừa bãi sẽ bị CSGT phạt tới 50.000 Kíp, tương đương gần 200.000 đồng tiền Việt Nam, một mức phạt bình thường so với cánh tài xế Việt Nam, nhưng với họ đó là sự xấu hổ đôi khi trở nên lạc lõng.
Điểm khác biệt ở một đất nước đang trong quá trình nâng cao dân trí, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nước Lào, nhưng bất kỳ người dân nào khi điều khiển phương tiện tới các điểm giao nhau họ đều đứng lại quan sát bên phải, bên trái, đợi tới lúc nào đó các phương tiện khác nhường đường thì họ mới đi.
Không chèn ép, lạng lách, đánh võng, đó là một trong những điều khác biệt mà người dân Lào và du khách an tâm khi tham gia giao thông.
Đặt chân đến đất nước Lào chúng tôi được cảnh báo ngay, khi từ đường nhỏ sang đường lớn hoặc rẽ trái phải thật cẩn thận vì các xe chạy thẳng trên đường chính được ưu tiên và họ chạy rất nhanh.
Quả thật nhìn những xe rẽ trái hoặc quay đầu nơi không có đèn giao thông họ đều cẩn thận và chờ cho đến khi thật vắng xe mới điều khiển xe tiếp tục.
Xe thô sơ và người đi bộ ở đây cũng rất được coi trọng, không thấy cảnh tượng các phương tiện cơ giới chèn ép xe thô sơ và người đi bộ.
Rong ruổi khắp Thủ đô Viêng Chăn nhiều ngày liền để cố ghi lại một hình ảnh ùn tắc giao thông đã rất khó chứ chưa nói việc ghi lại một vụ tai nạn lại càng khó hơn.
Người Lào có thói quen, nếu chẳng may va chạm giao thông, họ sẽ tự ý thức được cái sai, rồi chỉ trong chốc lát, phương tiện va chạm được đưa vào lề đường, sau đó hai bên mới gọi CA đến để xử lý, nếu như họ thương lượng không xong.
Người dân Lào cho rằng, cái mà họ cần giải quyết ở đây là tránh ùn tắc giao thông và người tham gia giao thông gây tai nạn cũng rất lấy làm hổ thẹn và cũng không có những người dân hiếu kỳ nào tập trung để tìm hiểu nguyên nhân gây nên cảnh ùn tắc.
Ở Lào, hàng năm rất ít xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người.
Có lẽ, cái mà mỗi người dân Việt khi đặt chân lên đất Lào có thể tự đặt câu hỏi là vì sao người Lào lại có được một cái văn minh trong việc tham gia giao thông tốt đến như vậy.
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, có thể họ thưa dân hơn ta, ít phương tiện hơn ta nên giao thông có phần “văn minh” hơn ta.
Nhưng cũng đừng vì thế mà ngụy biện, rõ ràng là cái cách mà họ tham gia giao thông chẳng đáng để chúng ta học tập lắm sao.
Văn hóa lái xe của người Việt bao giờ cho bằng… Lào!?
Nguồn: AUTODAILY