Những ngày này, nhiều Youtuber, người có điều kiện quyên góp sống ở Sài Gòn tìm cách để chia sẻ khó khăn với những người nghèo khổ hơn. Nhưng từ chuyện người phát cơm từ thiện giật lại cơm, phiếu nhận quà từ tay một phụ nữ vì cho rằng người này là kẻ gian, trà trộn vào để móc túi; chuyện thanh niên phát khẩu trang nhưng chỉ lựa ai trông nghèo mới phát gây gổ với một bà cô lớn tuổi... đã cho thấy sự bất cập của việc làm từ thiện cũng như cách ứng xử của người đi cho.
Các quán cơm từ thiện mở ra để lan tỏa lòng nhân ái chứ không phải để răn dạy người yếm thế
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, mới đây đã có những suy ngẫm về câu chuyện các Youtuber đi phát cơm từ thiện. Anh xót xa: "Hôm giờ coi trên mạng, nhiều Youtuber làm clip "vạch trần" "những người đeo vàng đi ăn cơm từ thiện"; "người nghiện đi xin cơm"; "xin cơm từ thiện để bán"; "sơn móng tay móng chân mà sao đi xin cơm?".
Có một bà già gằm mặt trước máy quay của Youtuber tại một điểm phát cơm từ thiện khi bị Youtuber này mắng sao lấy tới 2 hộp cơm. Bà phân trần: "Cậu ơi tôi lấy cho người tàn tật, họ không tới lấy được. Không phải tui lấy cho tui!". Anh Youtuber trẻ truy tới bến: "Cảm ơn bà, không ai tốt vậy đâu bà ơi!".
Có ông chú đạp xe tới, một anh Youtuber nói đói thì về ăn mì. Ông nói nghèo quá, nhà cũng không còn gói mì nào; anh Youtuber móc: "Nghèo không có mì ăn sao mập vậy?".
Tôi thấy truyền thông vậy sỉ nhục người nghèo quá!".
Thái độ của một số người phát cơm từ thiện thời gian gần đây gây tranh cãi lớn.
Nhà báo cũng kể lại câu chuyện của gia đình mình 20 năm trước, khi vô tình được trải nghiệm nhận cháo từ thiện của một nhóm thiện nguyện. Thời điểm đó, con của anh sinh non, rồi bệnh nặng, phải nằm bệnh viện mấy tháng trời ở Nhi Đồng 1. 4 - 5 người lớn trong nhà thay ca nhau ấp em bé, chia nhau 8 ca, mỗi ca 3 tiếng. Bình thường, anh sẽ đảm trách 1 ca trông con, thời gian còn lại đi làm.
Anh kể: "Thường buổi sáng tôi dậy sớm, trên đường từ nhà đến bệnh viện sẽ ghé khu Bàu Cát mua đồ ăn mang vào cho mọi người. Nhưng có bữa mệt quá, tôi về tòa soạn rồi nằm trên bàn ngủ quên. Tỉnh giấc đã hơn 6 giờ. Tôi mua đồ ăn chạy qua thì bà già vợ nói trưa khỏi mang cơm, bà dành chỗ đồ ăn sáng làm bữa trưa vì bà ăn sáng rồi.
Thì ra sợ tôi mệt, bà ẵm cháu xuống dưới nhận cháo từ thiện. Sáng nào cũng có một nhóm các chị tiểu thương mang hai thùng cháo thịt sườn hoặc cháo tim gan tới phát. Có một bà khác chăm cháu cũng xuống, nhận luôn cho cả phòng. Không nhất thiết là nghèo, lỡ bữa thì cứ xuống nhận.
Tôi tức quá la bà: "Đừng có làm vậy, mình nhận thì người khác cần hơn, nghèo hơn không có mà ăn". Bà cụ chăm cháu giường bên, là dân miền Tây, nói: Cái này là lỡ bữa mà, làm gì cậu la bà già dữ vậy?".
Người yếm thế cần được sẻ chia, không cần dạy đời.
Nhà báo kể, ở quán Nụ cười của ông bà Nam Đồng, cũng có những người lỡ bữa đã ghé vào ăn, như anh đã từng. Nhưng trong số đó, có cả những người ghé ăn cả tuần mà không hề nghèo, mà để coi người chủ quán làm ăn chăm lo cho dân sao, rồi hôm sau mướn xe chở tới quán một xe gạo.
Từ những trải nghiệm đó, anh nghĩ rằng, khó có chuyện có ai đó nhận cơm từ thiện rồi đi bán (như lời Youtuber kia tố cáo). Anh thấy gờn gợn với cái cách mà Youtuber nỡ dí máy quay vào mặt người nhận cơm, hạnh họe họ vì một lần lỡ bữa.
"Lên án cái ác và sự dối trá là sứ mệnh của truyền thông. Nhưng nhân danh cảnh báo để làm người đói ăn đứt bữa thêm một lần tổn thương là tội ác. Các quán cơm từ thiện mở ra để chia sẻ và lan tỏa lòng nhân ái chứ không phải để răn dạy người yếm thế. Các Youtuber đừng làm vậy. Xin đừng bóc mẽ người nghèo, kể cả nếu ai đó trong số họ có một chút tham" - nhà báo Nguyễn Đức Hiển kết luận.
Người đến nhận cơm phải quấn cả tạ áo rách vào người mới hài lòng người phát?
Facebooker Hoàng Nguyên Vũ cũng tỏ ra bức xúc trước cách ứng xử thiếu tế nhị của Youtuber phát cơm từ thiện với những người đến nhận. Anh chỉ trích: "Đi phát mấy hộp cơm trong mùa dịch, đăng loạn lên khoe, ok thôi cũng dễ hiểu là cái văn hóa kẻ cho nó thế. Nhưng ngang nhiên xúc phạm người nhận, đuổi họ một cách bố đời, rồi còn mỉa mai người ta bằng giọng đểu giả, không thể nào chịu nổi!
Người nghèo ở Sài Gòn, họ sơn móng tay móng chân là bình thường. Có ai quy định là nghèo thì không được sơn móng tay, không được tô son điểm phấn? Hay là đến nhận cơm thì phải quấn cả tạ áo rách vào người mới hài lòng các người?
Rồi, cứ cho là mấy anh kia "bụi đời" đi. Thế "bụi đời" thì họ không được ăn cơm và các người được quyền làm nhục, xua đuổi rồi đăng lên mạng bêu rếu người ta thế à? Rồi đi vặn vẹo người ta, hỏi nhà không còn cơm à mà phải đi xin? Không còn cơm sao không ăn mì? Không còn gì ăn mà "sao mập thế?" Rồi tự vỗ ngực nói bàn phát cơm của mình là "chốn linh thiêng"…".
Một miếng khi đói đúng là một gói khi no, nhưng đã cho đi, hãy cho bằng lòng từ tâm thật sự.
Cây bút này phẫn nộ khi nhân phẩm của người nghèo bị chà đạp để câu like: "Giữa lúc dịch giã thiếu thốn, ai cũng giống ai thôi. Cái nghèo cái khổ cái khó của đồng bào là công cụ để câu like cho các người ư? Ai hay ho gì đi xin từng hộp cơm để bị nói trên đầu trên cổ và bị tung lên mạng làm nhục hội đồng thế đâu?
Tôi luôn trân trọng tấm lòng của những người làm từ thiện, nhất là trong mùa dịch bệnh, chắc chắn đồng bào thiếu thốn không ít. Nhưng, nhân danh từ thiện mà làm tổn thương đồng bào để câu like như thế, không thể chấp nhận được".
***
Làm từ thiện vốn là một việc rất khó, bởi dù được khởi lên từ một ý niệm tử tế, nó vẫn cần được thực hiện bởi những tấm lòng thơm thảo. Nếu chỉ vì sợ người tham mà khép lòng với người nghèo, mà hờn dỗi "thôi từ sau tôi chừa" thì ai sẽ là người chịu thiệt? Nếu chỉ vì muốn trao tặng đúng người nghèo mà hạ giá nhân phẩm của họ, coi họ ở thế dưới, còn gì là tình là nghĩa? Nếu chỉ vì công khai minh bạch với những nhà hảo tâm, mà dí camera vào mặt người nghèo, chất vấn người ta như thể tội phạm, còn đâu là ý nghĩa nhân đạo của việc tặng quà?
Khi khởi tâm quyết chí làm từ thiện, hãy nhớ làm vì ở chung quanh còn nhiều người cần mình giúp, chút đỉnh thôi, để qua cơn ngặt. Chứ làm vì mang về cho bản thân sự sung sướng của kẻ bề trên, khoái cảm của kẻ mạnh ban ơn cho kẻ khó, thì còn mang thêm tội. Một hộp cơm có thể giúp người nghèo đỡ đói, nhưng những tổn thương kia ai sẽ gánh nổi?
Ăn mày là ai?
Ăn mày là ta
Đói cơm rách áo thành ra ăn mày... (Ca dao)
Theo Pháp luật và Bạn đọc