Ai cũng nghĩ, không có ăn, không có học thì mới chết.
Nhưng hôm qua, đứa bé đã chết vì không có sân chơi. Nó phải đạp xe dưới lòng đường.
Bạn nghĩ gì khi bố đứa trẻ, gương mặt thất thần, dù cố gắng nhưng vẫn bật khóc
"Mọi ngày con đi học suốt, hôm nay tranh thủ ngày nghỉ nó xin đi chơi, ai ngờ xảy ra cơ sự này. Sao ông trời lại có thể nhẫn tâm như vậy“.
Mật độ dân cư cùng số lượng các phương tiện giao thông tại những đô thị như Hà Nội ngày càng trở nên đông đúc và chật chội
Đừng chửi người xích lô ba gác.
Đứa bé chết, khi mà Thành phố đang mải miết đi xây những công viên nghìn tỷ "có tiêu chuẩn quốc tế", nơi mà có khi cả năm trời những đứa trẻ như nó chưa chắc đã được đến chơi một lần.
Còn những mảnh đất mà nó có thể chơi hàng ngày thì không một ai nghĩ đến việc phải dùng để làm sân chơi.
Hoặc là họ phải xây lên đó những tòa nhà cao tầng, hoặc là họ phải dùng để mở những quán bia quán nhậu, chí ít thì nó cũng dùng làm chỗ đỗ xe.
Một Phó chủ tịch phường đã từng trả lời tôi về việc làm sân chơi cho trẻ em như thế này:
"Ở Hà Nội, có chỗ chui ra chui vào là tốt lắm rồi, lấy đâu đất mà làm sân chơi?"
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm trên phố Tân Mai (Hà Nội) chiều 23.9. Ảnh I.T
- Chẳng phải chỉ chính quyền đâu, chính chúng ta, những người lớn, những người bố người mẹ đã làm gì để con mình có chỗ chơi?
- hay chính chúng ta đã giành giật của con trẻ sân chơi chỉ để mình có một chỗ để xe gần nhà, để khỏi phải đi bộ xa?
- Chính chúng ta đã thờ ơ nhìn người khác chiếm hết sân chung tập thể để bán hàng, để trông giữ xe?
- Chính chúng ta đã thỏa hiệp để khỏi bị va chạm, mặc cho con cái chúng ta phải chịu thiệt thòi?
Ở khu tập thể nhà tôi, cái sân chơi bé xíu 3 chục mét vuông mà chúng tôi đã cố gắng hết sức để có được, là nơi mà có đến hàng trăm đứa trẻ đã vô cùng vui sướng khi chơi ở đó chỉ với 1 cái xích đu và một cái cầu trượt.
Nhưng rồi, lúc thì có người vắt cả xích đu lên để kê bàn bán hàng, lúc thì vài chiếc ô tô đỗ kín sân, lúc thì xe máy xếp hàng khiến những đứa trẻ phải len lỏi giữa những chiếc xe để chơi, và, bố mẹ của chúng đa số đã im lặng chấp nhận mà không một lời phản đối.
Gần nhà tôi, phía đường Ngọc Khánh, sân tập thể là hàng chục quán nhậu lúc nào cũng đông nghìn nghịt khách, và ở trong Thành phố này có đến hàng ngàn những nơi như thế. Ngay cạnh đó, một mảnh đất nhỏ cũng đã được dùng làm bãi đỗ ô tô cao tầng.
Lẽ ra, ở nơi đó phải là một cái vườn hoa, một cái sân chơi.
Những đứa trẻ chơi đùa bên cạnh những bàn nhậu ồn ào. (Nguồn ảnh Báo Dân Trí)
Không biết đã từng có ông bố mà mẹ nào lên tiếng, hay làm đơn lên chính quyền đòi lại không gian đó để con em mình không phải đạp xe dưới lòng đường như em bé đã chết chiều hôm nay?
Cách đây vài ngày, chính con gái tôi đi học về đã bị ngã xuống đường.
Nó gọi điện cho tôi hoảng hốt:
"Trên vỉa hè họ bán hàng và để ô tô nên con phải đi dưới lòng đường. Cô ấy phóng xe nhanh nên móc tay lái vào ba lô, kéo giật con ngã xuống".
Thế nhưng, người lớn chúng ta, chẳng mấy ai nghĩ đến việc phải góp tiếng nói, góp hành động để con mình có một con đường đi bộ đến trường, có một khoảnh sân nhỏ để chơi.
Nhưng nếu thiếu chỗ đậu xe, họ sẽ ào ào lên chửi bới đòi quyền lợi.
Chỉ có những đứa trẻ là không thể tự đòi quyền lợi cho mình.
Mấy hôm rồi, tôi còn thấy có người chửi là cái không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ấy, chả có gì, chỉ toàn người “bu đến rồi đứng đực một lũ” vì không có gì chơi.
Tôi tự hỏi, liệu họ có nhìn thấy không những đứa trẻ đã vô cùng sung sướng khi chỉ cần được chạy đi chạy lại, mặt ngửa lên trời mà không sợ ô tô xe máy đâm phải, hay những đứa trẻ ríu rít chạy theo những con chó nhỏ một cách vô cùng hạnh phúc?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tiêu đề bài do TINTUCVIETDUC.DE đặt lại.
Nguồn: FB của Dung Tran My