Khi một người thầy phải quỳ xuống thì “tôn sư trọng đạo” hay “bán tự vi sư” sẽ chỉ còn là những con chữ vô hồn.
Thầy Hiệu trưởng, Chủ tịch hội phụ huynh – những người có mặt trong buổi làm việc đã ở đâu trong khi cô giáo đứng trước bước đường cùng?
Nữ văn sĩ Thackeray trong bộ tiểu thuyết Hội chợ phù hoa có viết:
“Cuộc đời là một tấm gương soi, cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt trả lại với chúng ta ngay. Nếu mỉm cười với nó, nó sẽ trở thành người bạn vui tính và tốt bụng”.
Nhà văn Nguyễn Khải cũng từng đưa ra một câu nói đầy chất triết lý:
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
Những trích dẫn nổi tiếng đó khiến độc giả tin tưởng hơn vào quả ngọt gây dựng từ thái độ sống tích cực. Nhưng cuộc đời vốn dĩ phức tạp, chằng chịt “ranh giới”. Và khi chỉ là một cá thể đơn độc, lẻ loi, con người ta rất dễ đầu hàng thực tại.
Trong văn chương, chúng ta từng thấy một anh nông dân vốn hiền lành, chân chất dần trở thành "con quỷ dữ làng Vũ Đại", một cô thôn nữ từ chỗ ngây thơ trong sáng trở thành một "Bỉ vỏ" (người đàn bà ăn cắp - PV) thực thụ.
Ở đó, ta cũng thấy một tương lai tăm tối, bế tắc tột cùng của chị Dậu và một lão Hạc tự kết liễu đời mình bằng bả chó để giữ lại gia sản cho con.
Và còn rất nhiều những nhân vật khác cũng bị kéo vào chuỗi bi kịch không tránh khỏi ở thời kỳ đen tối mà người với người nhìn nhau như lang sói.
Còn ngoài đời, sự việc một cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh suốt 40 phút giữa thanh thiên bạch nhật khiến nhiều người đau xót, bàng hoàng và thảng thốt.
Theo giải trình của cô giáo, đó là hành động bất đắc dĩ trước “tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân là làm để mọi việc giải quyết xong”; cụ thể, nó diễn ra trong bối cảnh phụ huynh học sinh “cứ nhắc đi nhắc lại:
Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô đang có lỗi cô quỳ lại đi.”
Trường tiểu học Bình Chánh - nơi xảy ra vụ việc giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh học sinh. (Ảnh: Tuổi trẻ).
Tìm hiểu về vụ việc, đầu tôi cứ vang lên câu hỏi:
Thầy Hiệu trưởng, Chủ tịch hội phụ huynh – những người có mặt trong buổi làm việc đã ở đâu trong khi cô giáo đứng trước bước đường cùng?
Đáp án thật đáng buồn và theo tôi, thậm chí còn đáng buồn hơn cách xử sự của phụ huynh trong câu chuyện này. Bởi hai người được xem là “có tiếng nói” nhất ở đó đều rời khỏi “hiện trường”, một người có “giờ dự giờ”, một người có “việc bận”.
Vâng, họ đều có những lý do để rời khỏi văn phòng, nơi mà ít phút sau chứng kiến sự sụp đổ của danh dự, của những giá trị nhân văn tốt đẹp từ bao đời.
Một thầy hiệu trưởng không bảo vệ được giáo viên trước cơn cuồng nộ mất kiểm soát của phụ huynh chỉ là một thầy hiệu trưởng bất tài.
Và làm giáo dục mà đẩy giáo viên vào bước đường cùng, phải chọn hạ nhục chính mình để xua đi mâu thuẫn thì cũng sẽ chỉ để lại hậu quả (của giáo dục thất bại) mà thôi.
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Tuổi trẻ