Dự thảo này, với tôi là sự phản bội chương trình 2018. Tại sao đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện “đổi mới toàn diện”, mà đến bây giờ lại cho các cấp dạy thêm tràn lan đến hơn 40 tiết mỗi tuần như thế? Phải chăng đây là sự bất lực của việc thực hiện chương trình giáo dục mới?

1 Xa Hoi Hoc Tap Cong Dong Tu Hoc Se Bien Thanh Mot Xa Hoi Hoc Them

Tôi vừa đọc cái Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm. Thú thật là cười ra nước mắt.

Lâu nay, hoạt đông dạy thêm cơ bản là bị cấm, ví dụ đối với cấp Tiểu học hay đối với giáo viên dạy thêm chính học sinh chính khóa của mình bên ngoài nhà trường. Nhà nước chỉ cho phép các nhà trường tổ chức hoạt động này. Nay thì bãi bỏ hết, Tiểu học cũng dạy thêm, giáo viên cũng dạy thêm chính học sinh của mình ở ngoài.

Theo như tôi đọc được thì dự thảo này, nôm na là chính thức mở toang cánh cửa cho dạy thêm và học thêm, cái mà lâu nay vốn úp mở, nửa kín nửa hở...

Thực ra, dự thảo này không làm thay đổi gì đối với thực tế của việc dạy thêm học thêm cả, tất cả vẫn sẽ diễn ra như suốt nhiều năm qua mà thôi. Cái thông tư này (khi chính thức ban hành) chỉ là sự hợp thức cái điều lâu nay vốn là cấm, mà không được.

Như trước nay, các vị không quản lý được. Quy định thì có đấy nhưng dạy thêm học thêm vẫn cứ tràn lan và ngày càng biến tướng, điển hình như việc đưa đủ thứ các hoạt động liên kết tào lao vào nhà trường để biến trường học của quốc dân thành nơi kiếm tiền của các công ty chia hoa hồng cho cán bộ ngành giáo dục. Có lẽ điều khác biệt sẽ là nếu trước đây người ta vẫn làm và làm ồ ạt nhưng phải tìm cách để lách, để che, để đậy, thì nay, với cái dự thảo thông tư này, thì thở phào. Tự do là đây, cơm áo đây rồi!

Xin hỏi, với cái Quy định “1. Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm”, thì nó khác gì với cái cũ và quý vị sẽ đo đếm, quản lý bằng cách nào? Tôi thì không thấy bất cứ một ràng buộc nào để có thể thực hiện được cái gọi là “quy định” này.

Buồn cười nhất là cái quy định “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày”.

Việc ban hành một chương trình giáo dục với 2 buổi trong ngày thì phải tổ chức thực hiện, chứ không phải ai muốn làm thì làm không làm thì thôi. Thế rồi khi họ bỏ một buổi của chương trình, dành thời lượng ấy để dạy thêm thì quý vị tính sao? Và rõ ràng, trong mấy năm qua, từ khi thực hiện chương trình 2018 điều đó đã diễn ra phổ biến, thậm chí thành nhức nhối.

Cái cần làm, đáng làm, phải làm là xây dựng một xã hội học tập, xây dựng một cộng đồng tự học, thì lại biến nó trở thành một xã hội học thêm.

Sau cái dự thảo “tháo cũi sổ lồng” này, tất nhiên bức tranh dạy thêm học thêm sẽ không bi thảm hơn những gì đã diễn ra, vì nó đã đến hạn; cái khác chỉ là người ta được làm cái điều đang làm một cách tự tin, sảng khoái, và đầy lòng tự hào hơn mà thôi.

Nhà giáo, Nhà báo Thái Hạo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC