Thủ tục công nhận bản án của nước ngoài tại Việt NamHỏi: Tôi vẫn còn quốc tích Việt Nam, vừa rồi tôi có ly hôn chồng là người nước ngoài và đã được Tòa án nước ngoài ra bản án ly hôn.

Theo như bản án này thì tôi sẽ được nhận một số tài sản chung của vợ chồng tại Việt Nam. Xin hỏi, bản án của Tòa án nước ngoài có được công nhận tại tại Việt Nam hay không? Trình tự thủ tục này được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

(Hoàng Thị Liên – Bochum)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì: “Bản án, quyết định ly hôn của Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận ở Việt Nam”. Như vậy, bản án ly hôn của bạn ở nước ngoài sẽ được công nhận ở Việt Nam. Bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận bản án ly hôn này.

Theo đó, bạn phải chuẩn bị đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của nước ngoài tại Việt Nam và các giấy tờ tài liệu được gửi kèm theo đơn để gửi cho Bộ Tư pháp như: bản sao hợp pháp bản án, quyết định của Toà án nước ngoài; văn bản xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam (trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những điểm này); văn bản xác nhận việc đã gửi cho người phải thi hành bản sao bản án, quyết định đó. Trường hợp người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó vắng mặt tại phiên toà của Toà án nước ngoài thì phải có văn bản xác nhận người đó đã được triệu tập hợp lệ (Điều 350 Bộ luật Tố tụng dân sự). Lưu ý, đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo phải được dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp sẽ chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền để xét đơn yêu cầu của bạn. Sau khi nghiên cứu hồ sơ Tòa án sẽ ra một trong các quyết định sau đây:

- Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
- Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại hồ sơ cho Bộ Tư pháp; hoặc
- Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Sau khi Toà án đã ra quyết định nói trên, thì Toà án gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp quyết định đó; nếu đương sự ở nước ngoài thì quyết định được gửi thông qua Bộ Tư pháp. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày Toà án ra các quyết định nói trên, đương sự, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo quyết định đó; trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp của họ không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được quyết định đó.

Luật sư Phạm Công Hải

Mobile: 0977167512

Email: [email protected]

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC