Chúng tôi đều là công dân Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại Halle. Chúng tôi gặp rồi yêu nhau ở bên này, hiện nay chúng tôi quyết định đi đến hôn nhân, muốn đăng ký kết hôn với nhau.
Xin hỏi chúng tôi có thể đăng ký kết hôn ở nước ngoài được không? Thủ tục đăng ký kết hôn được tiến hành như thế nào? (Nguyễn Hồng Hạnh – Halle)
Trả lời:
Tiết a, khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch số 11/2008/TTLT-BTP-BNG ngày 31/12/2008 hướng dẫn thực hiện quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài quy đinh:
“Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước mà một trong hai bên nam nữ hoặc cả hai bên nam nữ là công dân Việt Nam tạm trú, thực hiện việc đăng ký kết hôn”.
Với quy định trên các bạn hoàn toàn có thể tiến hành việc đăng ký kết hôn ở nước ngoài.
Do đó, các bạn đến Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán Việt Nam tại Đức) để thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định.
Hồ sơ đăng ký kết hôn gồm nhưng giấy tờ sau:
1- Tờ khai xin đăng ký kết hôn (theo mẫu).
2- Bản sao hộ chiếu và xuất trình bản chính để đối chiếu.
3- Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chưa quá 6 tháng không bị mắc bệnh truyền nhiễm, tâm thần, HIV…
4- Giấy xác nhận nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi cư trú trước khi xuất cảnh về tình trạng hôn nhân của người đó.
- Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở một nước khác thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước đó về tình trạng hôn nhân của người đó.
- Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng đã ly hôn thì phải nộp bản sao bản án, quyết định cho ly hôn đã có hiệu lực pháp luật;
Trong trường hợp bản án, quyết định cho ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thuộc loại phải ghi chú vào sổ theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì bản án, quyết định đó phải được ghi chú trước khi nộp hồ sơ.
- Đối với người trước đây có vợ hoặc có chồng nhưng người vợ hoặc người chồng đó đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết thì phải nộp bản sao Giấy chứng tử của người vợ hoặc người chồng đó.
- Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Chương V của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, cả hai bạn phải có mặt tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp có lý do khách quan mà một bên không thể có mặt được thì phải có đơn xin vắng mặt và uỷ quyền cho bên kia đến nộp hồ sơ.
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong trường hợp có yêu cầu cơ quan hữu quan ở trong nước xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì thời hạn được kéo dài thêm 45 ngày.
Sau thời hạn giải quyết trên, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức lễ đăng ký kết hôn cho hai bạn.
Khi tổ chức đăng ký kết hôn cả hai bạn đều phải có mặt để ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn.
Luật sư Phạm Công Hải.