Câu hỏi:

Tôi là Việt Kiều hiện đang sống ở Đức. Tôi mới ly hôn và đã có quyết định của tòa án. Nay tôi muốn kết hôn với người Việt Nam đang sống tại Việt Nam. Vậy tôi cần làm những thủ tục giấy tờ như thế nào để kết hôn được với bạn gái tôi? Mong luật sư liệt kê chi những giấy tờ cần chuẩn bị để khi về Việt Nam làm thủ tục tôi không bị thiếu sót. Chân thành cảm ơn Luật sư! (Pham Duc Tien, CHLB Đức)

 Trả lời

Liên quan đến các câu hỏi của ông, chúng tôi phúc đáp như sau:

1. Về điều kiện kết hôn:
Hiện nay, ông là Việt Kiều đang sinh sống tại Đức và muốn trở về nước để kết hôn thì ông sẽ thuộc diện người nước ngoài kết hôn với phụ nữ Việt Nam tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam. Đầu tiên, ông và bạn gái ông phải đáp ứng những điều kiện nhất định:
- Điều kiện đối với bạn gái của ông: Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, cụ thể: Từ đủ 18 tuổi trở lên, kết hôn tự nguyện, không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh không điều khiển được hành vi, người đồng tính, có quan hệ huyết thống trong phạm vi 03 đời với ông.
- Điều kiện đối với ông: Bên cạnh việc phải đáp ứng các điều kiện pháp luật của quốc gia mà ông đang mang quốc tịch thì ông còn phải đáp ứng các điều kiện kết hôn của nước Việt Nam (như trên).
2. Về thủ tục kết hôn:
2.1. Giấy tờ cần thiết để đăng ký kết hôn:
Theo quy định tại mục 3, Điều 1 của Nghị định 69/2006/NĐ-CP nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
a) Tờ khai đăng ký kết hôn (Theo mẫu và được sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của cả nam và nữ).
 
b) Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên (Bản chính và do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại ông và bạn gái ông là người không có vợ hoặc không có chồng). Trường hợp ông đã có quyết định ly hôn của Tòa án thì quyết định này phải được dịch ra tiếng việt và hợp pháp hóa lãnh sự.
 
Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
 
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế (Bản chính có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình).
 
d) Giấy chứng minh nhân dân (Bản sao có chứng thực đối với công dân Việt Nam ở trong nước).
 
đ) Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (Bản sao có công chứng hoặc chứng thực đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).
 
e) Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (Bản sao có chứng thực đối với công dân Việt Nam ở trong nước).
 
f) Thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (Bản sao có chứng thực đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
2.2. Số lượng hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn:
Hồ sơ được lập thành 02 bộ, được nộp tại Sở Tư Pháp của nơi bạn gái ông có hộ khẩu. Khi nộp hồ sơ, cả ông và bạn gái ông phải có mặt hoặc một người có thể ủy quyền cho người còn lại. Trong quá trình thẩm tra hồ sơ, Sở Tư Pháp sẽ triệu tập ông và bạn gái ông để phỏng vấn. Sau khi hồ sơ đã được thông qua, Sở Tư Pháp thông báo cho cả ông và bạn gái ông có mặt để làm lễ đăng ký kết hôn.
 
Trên đây là ý kiến pháp lý của chúng tôi liên quan đến câu hỏi của ông. Nếu có vấn đề gì còn chưa rõ, kính đề nghị ông liên lạc với chúng tôi.
Your Sincerely,



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC