Hỏi: Bác gái tôi có con trai duy nhất đi du học Đức từ năm 1992 và định cư luôn tại đó. Hiện anh vẫn còn quốc tịch Việt Nam và đang làm thủ tục bảo lãnh cho bác tôi sang Đức. Đầu năm 2009 có thể bác tôi sẽ sang đó...
Bác trai tôi đã mất, bác gái lại già yếu nên khó có điều kiện đi lại về Việt Nam nhiều nếu đã sang Đức sống. Hiện bác có căn nhà tại ngõ 285 Đội Cấn nhưng vì nhiều lý do nên bác chưa bán được.
Xin hỏi:
(1) Bác tôi có thể làm thủ tục cho anh tôi được đứng tên trên giấy tờ của căn nhà theo luật Thừa kế được không (anh tôi là hoạ sỹ, thỉnh thoảng có về thăm nhà nhưng thời gian ở lại không được lâu)?
(2) Nếu được thì phải làm những thủ tục gì, hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ nào và các cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
(3) Nếu anh tôi không đủ điều kiện đứng tên chủ sở hữu và sử dụng căn nhà trên thì phương án tốt nhất cho bác tôi hiện nay là gì?
Xin cảm ơn quý báo.
Trả lời:
1. Việc đứng tên trên giấy tờ nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được hưởng thừa kế:
Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 767 Bộ luật Dân sự số 3/2005/QH11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 14/06/2005, người con của bác bạn được thừa kế tài sản của bố, mẹ để lại. Tuy nhiên, việc anh ta có được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hay không, còn phải phụ thuộc vào các điều kiện sau:
Theo Điều 126 Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 29/11/2005 (“Luật nhà ở”) và điểm a, khoản 1 Điều 61 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/09/2006 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (“Nghị định số 90/2006/NĐ-CP”), anh bạn được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nếu thuộc một trong các đối tượng sau:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Nếu không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên.
Trong trường hợp, không thuộc đối tượng được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nêu trên, anh trai bạn chỉ được hưởng giá trị của căn nhà đó (điểm c, khoản 1 Điều 61 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP).
2. Thủ tục đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở do được thừa kế tại Việt Nam:
Bác của bạn có thể để lại thừa kế hoặc tặng cho căn nhà đó cho con trai. Trong trường hợp con của bác đủ điều kiện để đứng tên trên căn nhà do được thừa kế hoặc nhận tặng cho thì thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận sở hữu căn nhà được thực hiện như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở bao gồm (khoản 2 Điều 47 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP):
- Văn bản giao dịch liên quan đến việc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế của bác bạn và con trai (di chúc hoặc hợp đồng tặng cho);
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu của căn nhà mang tên bác của bạn;
- Đơn đề nghị đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở (khoản 5 Điều 47 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP):
Hồ sơ nộp tại Phòng địa chính và nhà đất thuộc Ủy ban nhân dân quận.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, Phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ thể hiện các nội dung trên giấy chứng nhận, trình cơ quan có thẩm quyền ký giấy chứng nhận, vào sổ đăng ký quyền sở hữu nhà ở và giao trả giấy chứng nhận cho người đề nghị cấp giấy, đồng thời có trách nhiệm sao 01 bản giấy chứng nhận chuyển cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp để lưu giữ.
3. Trường hợp không đủ điều kiện đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài:
Trong trường hợp anh bạn không đủ điều kiện đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu, bạn vẫn khuyên bác mình nên lập di chúc để lại thừa kế căn nhà cho con trai bác. Bởi vì, đến thời điểm được nhận thừa kế, có thể anh trai bạn có đủ điều kiện để được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Trong thời gian, gia đình của bác bạn không có ai ở Việt Nam thì bác bạn nên ủy quyền quản lý căn nhà cho người thân nào đó ở trong nước (Điều 93 Luật Nhà ở).
Đến thời điểm nhận thừa kế, anh trai bạn vẫn không đủ điều kiện đứng trên trên Giấy chứng nhận sở hữu nhà, thì anh trai bạn được sở hữu giá trị nhà ở theo hình thức bán hoặc ủy quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP.