Câu hỏi:

Tôi là người Việt Nam mới sang định cư tại Berlin, Đức. Hiện nay, tôi có một số vấn đề như sau muốn hỏi luật sư:

1- Tôi sang định cư tại Đức sau ngày 01/07/2010, vậy tôi có cần đăng ký Công dân với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức để giữ lại quốc tịch Việt Nam không? Khi về thăm gia đình ở Việt Nam tôi có phải xin visa không (hộ chiếu Việt Nam của tôi còn thời hạn đến 2015)?

2- Tôi muốn xin đổi tên sang tên nước ngoài để tiện trong sinh hoạt và làm việc. Vậy tất cả giấy tờ và bằng cấp (bằng Đại học) từ trước đến nay có phải làm thủ tục chuyển đổi nào không? Nếu không thì khi quay về Việt Nam, giấy tờ mang tên cũ có giá trị sử dụng nữa không?

3- Nếu tôi xin nhập quốc tịch Đức thì có thể giữ lại quốc tịch Việt Nam không?

(Tony Nguyễn Trần)

Trả lời:

1. Đăng ký quốc tịch và xin visa (thị thực) vào Việt Nam:

-   Khoản 2, Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.

Áp dụng quy định trên đây đối với trường hợp bạn nêu, mặc dù bạn mới định cư tại Đức sau ngày 01/07/2010 nhưng trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày 01/07/2009, nếu muốn giữ quốc tịch Việt Nam, bạn vẫn phải đăng ký với cơ quan đại diện của Việt Nam tại Đức.

-   Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì các giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bao gồm: Hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ; hộ chiếu phổ thông và cũng theo khoản 3, Điều 3 của Nghị định này quy định: “Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực”.

Do đó, nếu hộ chiếu Việt Nam của bạn còn thời hạn thì khi về thăm gia đình ở Việt Nam bạn
không phải xin thị thực.

2. Đối với việc đổi tên:

Khoản 4, Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây, tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam”.

Theo quy định nêu trên, việc bạn đổi tên khác ở nước ngoài nhưng về Việt Nam, nếu bạn vẫn có quốc tịch Việt Nam thì tên cũ của bạn vẫn còn nguyên giá trị theo những giấy tờ, bằng cấp của bạn. Trong trường hợp, bạn xin thôi hoặc mất quốc tịch Việt Nam nhưng đã được Nhà nước Việt Nam cho trở lại quốc tịch Việt Nam (bạn phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây) thì những giấy tờ, bằng cấp vẫn còn giá trị sử dụng tại Việt Nam.

3. Giữ quốc tịch Việt Nam:

Việc bạn xin nhập quốc tịch Đức và có thể giữ lại quốc tịch Việt Nam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào luật pháp của nước sở tại (nước Đức). Bạn nên tìm hiểu luật pháp Đức để nắm rõ vấn đề này. Theo tôi được biết, một trong các điều kiện để xin nhập quốc tịch Đức, đó là: phải từ bỏ quốc tịch mình đang có.

Đối với Việt Nam, theo khoản 1, Điều 12 Luật Quốc tịch năm 2008 thì: “Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế”. Theo quy định này thì khi có quốc tịch Đức thì có thể bạn vẫn được
đồng thời có quốc tịch Việt Nam tùy vào trường hợp cụ thể.

Nguyễn Văn Tuấn – Luật sư
Mobile: 0918 368 772
Công ty TNHH Newvision Law

 

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC