Tìm đầu ra cho lao động trong nước ra nước ngoài làm việc đang được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tích cực cụ thể hóa bằng những hợp tác với nhiều nước trên thế giới. Từ chỗ giải quyết việc làm, hiện hướng đi của Bộ LĐ-TB-XH là nâng chất lượng lao động, hợp tác với những nước phát triển để đưa những lao động có trình độ, tay nghề và kỹ năng sang Nhật, Đức làm việc để khẳng định chất lượng lao động Việt Nam.
Cơ hội cho điều dưỡng Việt tại Đức
Việc bang Baden-Württemberg của CHLB Đức thẩm định và công nhận bằng điều dưỡng của các ứng viên do Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET) đào tạo đã mở ra cánh cửa lớn cho nhân lực ngành điều dưỡng Việt Nam.
Trong cuộc gặp và làm việc mới đây, với chính quyền bang Baden-Württemberg, cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp TP Stuttgart, Bộ Xã hội và Hòa nhập bang Baden - Württemberg hoan nghênh đề xuất của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung về việc hợp tác sâu rộng với Việt Nam tiếp nhận lao động có tay nghề, đặc biệt là ngành điều dưỡng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng nước Đức đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực, đặc biệt là nhân lực nghề điều dưỡng. Việt Nam đã và đang triển khai đưa lao động đi làm việc ở các quốc gia phát triển, trong đó có gần 1.000 điều dưỡng viên Việt Nam đã sang làm việc tại CHLB Đức.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Lao động và Nhà ở của bang Baden-Württemberg cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức trong khối ASEAN. Luật nhập cư của CHLB Đức có hiệu lực từ ngày 1-3-2020 và đây sẽ là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy việc tiếp nhận lao động từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam. CHLB Đức bày tỏ mong muốn được mở rộng hợp tác với Việt Nam trong việc cung ứng nguồn nhân lực sang các ngành nghề khác như: lái xe, đầu bếp, điện xây dựng, cơ khí, hoàn thiện nội thất, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kỹ thuật viên y tế…
Ông Stefan Diedrigkeit, điều phối viên các dự án CHLB Đức tại Việt Nam của IET, cho biết nước Đức đang cần khoảng 11.000 vị trí việc làm ngành điều dưỡng mỗi năm và phụ thuộc hoàn toàn vào lao động nước ngoài.
"Nhiều năm nay, nước Đức tuyển điều dưỡng từ các nước trong khối EU nhưng chúng tôi đang hướng đến các nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Với phương pháp đào tạo chất lượng, thời lượng thực hành nhiều và công cụ hỗ trợ học tập khá tốt, sinh viên điều dưỡng Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu của nước Đức. Nếu làm tốt khâu đào tạo tiếng Đức, Việt Nam sẽ là nguồn cung cấp nhân lực điều dưỡng lớn nhất cho nước Đức trong tương lai" - ông Stefan nói.
Nhiều nước đang thu hút nhân lực ngành điều dưỡng của Việt Nam
Nhật Bản "khát" hộ lý, điều dưỡng Việt
Theo số liệu mới đây được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Colab), Bộ LĐ-TB-XH đưa ra, phía Nhật Bản đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý làm việc tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão của Nhật Bản do tốc độ già hóa dân số nhanh và thiếu hụt nhân sự tại ngành nghề này. Dự báo nhu cầu từ nay đến năm 2020, Nhật Bản cần khoảng 400.000 điều dưỡng, hộ lý làm việc tại các cơ sở y tế.
Vài năm gần đây, Nhật Bản tăng cường thu hút điều dưỡng Việt Nam bằng những chính sách đãi ngộ về thu nhập, về trình độ tiếng Nhật cũng như tài trợ chi phí để ứng viên điều dưỡng sang Nhật làm việc.
Theo đánh giá từ các đơn vị tiếp nhận điều dưỡng Việt Nam tại Nhật Bản, điều dưỡng Việt Nam được đánh giá cao về khả năng ngoại ngữ cũng như tinh thần làm việc tại các cơ sở tiếp nhận, khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác với tỉ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hằng năm luôn rất cao.
Mức lương mà Nhật Bản dành cho các ứng viên điều dưỡng, hộ lý cũng khá cao, tương đương 30 - 33 triệu đồng mỗi tháng. Khi hết thời gian 3-4 năm, nếu đạt chứng chỉ quốc gia sẽ được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản, với mức lương từ 50 - 60 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài lương, nhân viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật sẽ được nhận thêm các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc, đồng thời được khuyến khích ở lại làm việc lâu dài.
Đó cũng là mong muốn của trên 90% các cơ sở tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam muốn các ứng viên của Việt Nam sau khi đạt được chứng chỉ quốc gia về điều dưỡng ở lại làm việc lâu dài.
Bài và ảnh: GIANG NAM
Báo Người lao động