Thông tin vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cung cấp cho báo chí. Theo thông báo của Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đang có chuyến thăm, làm việc tại Đức nhằm trao đổi với các cơ quan liên quan, các địa phương của nước này về hợp tác lao động, giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có các buổi làm việc với Bộ Xã hội và Hòa nhập, Bộ Kinh tế, Lao động và Nhà ở của bang Baden-Württemberg và Phòng Thương mại Công nghiệp thành phố Stuggart.
Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề xuất với các cơ quan, địa phương trên tăng cường hợp tác giữa hai bên, thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác về GDNN giữa Bộ Kinh tế, lao động và nhà ở bang Baden-Württemberg và Tổng cục GDNN Việt Nam; ký thỏa thuận hợp tác về tiếp nhận lao động, trong đó có nghề điều dưỡng viên giữa Tổng cục lao động (Bộ xã hội và Hòa nhập bang Baden-Württemberg) và Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam).
Đại diện lãnh đạo chính quyền bang Baden-Württemberg, cũng như Phòng Thương mại và công nghiệp TP Stuttgart, Bộ xã hội và Hòa nhập bang Baden - Württemberg đều hoan nghênh đề xuất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, và cho biết sẽ xúc tiến thực hiện đề nghị này trong thời gian tới.
Foto: Đoàn các học viên Điều dưỡng của Viện IET sang bang Baden-Württemberg làm việc
Theo Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 1993, Việt Nam và bang Baden-Württemberg đã bắt đầu hợp tác về GDNN. Năm 2011, thông qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), bang Baden - Württemberg và Bộ LĐ-TB-XH đã ký thỏa thuận hợp tác về tiếp nhận lao động sang làm việc.
Hiện nay, nước Đức đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực, đặc biệt là nhân lực nghề điều dưỡng.
Việt Nam đã và đang triển khai đưa lao động đi làm việc ở các quốc gia phát triển, trong đó có gần 1.000 điều dưỡng viên Việt Nam đã sang làm việc tại CHLB Đức.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Lao động và Nhà ở của bang Baden-Württemberg cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức trong khối ASEAN. Luật nhập cư của CHLB Đức có hiệu lực từ ngày 1-3-2020, và đây sẽ là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy việc tiếp nhận lao động từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam. CHLB Đức bày tỏ mong muốn được mở rộng hợp tác với Việt Nam trong việc cung ứng nguồn nhân lực sang các ngành nghề khác như: lái xe, đầu bếp, điện xây dựng, cơ khí, hoàn thiện nội thất, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kỹ thuật viên y tế…
Tin-ảnh: G.Nam
Người Lao Động