Mô hình học lý thuyết tại trường xen kẽ với thực hành ở doanh nghiệp giúp người lao động nâng cao kỹ năng và gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm

42 1 Sang Duc Hoc Nghe Tuong Lai Rong Mo

Hai học viên người Việt (thứ ba và năm từ phải sang) theo học chuyên ngành xây dựng gặp gỡ chủ doanh nghiệp và nhà trường nga

Sau 3 năm được đào tạo kép, người học sẽ tốt nghiệp và làm việc cho doanh nghiệp (DN) đã trả chi phí để đào tạo, được hưởng lương và các chế độ phúc lợi khác như người lao động (NLĐ) bản xứ. Với mô hình học lý thuyết tại trường xen kẽ với thực hành ở DN, CHLB Đức đã thành công khi toàn bộ NLĐ đều có kỹ năng nghề nghiệp trước khi làm việc chính thức.

Đi học vẫn có lương

Không như những quốc gia khác, DN ở Đức muốn có nguồn lao động chất lượng cao phải trả chi phí cho các trường nghề đào tạo.

Ở các DN tại Đức, bộ phận tuyển dụng nhân sự đóng vai trò quan trọng bởi họ phải biết được số lượng nhân viên mà DN mình cần trong tương lai để lên phương án quy hoạch chi tiết, từ vị trí cơ bản nhất (công nhân, chuyên viên kỹ thuật) cho đến quản lý cấp cao.

Bà Anna Hochhalter - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Robert Bosch Krankenhaus (TP Stuttgart) - cho biết ở Đức, các DN phải biết rõ số lượng nhân sự cần tuyển để thay thế một vị trí nào đó trong khoảng 5 đến 10 năm.

Trên cơ sở quy mô sản xuất và nhu cầu tuyển dụng lao động, các DN sẽ chủ động liên kết với các trường nghề hoặc cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.

Theo bà Anna Hochhalter, Đức chỉ tuyển lao động có tay nghề theo chuẩn của Đức và thành thạo tiếng nước này.

Do vậy, DN phải chi trả lương cho người học để biết chắc đó là nhân viên của mình trong tương lai.

Thời gian qua, Tập đoàn Robert Bosch Krankenhaus đã làm việc với Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET) tại TP HCM để tiếp nhận các bạn tốt nghiệp đại học điều dưỡng tại Việt Nam, bởi NLĐ đã đáp ứng được số giờ học lý thuyết và thực hành.

"Sau khi được công nhận bằng cấp tương đương, số điều dưỡng này được làm việc chính thức mà không cần phải đào tạo lại. Với tinh thần cầu thị và khả năng thích nghi, chúng tôi tin tưởng họ sẽ thành công tại Đức" - bà Anna khẳng định.

Không chỉ ngành điều dưỡng, các ngành nghề khác như xây dựng, cơ khí ôtô, điện hay cả ngành nhà hàng - khách sạn, đầu bếp… cũng khan hiếm nhân lực. Nhiều trường đào tạo các nghề trên đều mong muốn tiếp nhận nhiều bạn trẻ để trao cơ hội nghề nghiệp chuyên nghiệp cho người học.

Cơ hội tạo dựng sự nghiệp

Kỹ sư Gabor Nagy, Chủ tịch Công ty Killenberg Bau GmbH (TP Erfurt), cho rằng cách thức mà nước Đức đang làm giúp các DN chủ động trong vấn đề lao động.

Ông chủ công ty chuyên về xây dựng, sửa chữa hệ thống giao thông này kỳ vọng với việc hợp tác cùng Việt Nam, DN của ông sẽ có cơ hội tiếp nhận và cùng với đối tác xây dựng được đội ngũ lao động lành nghề trong tương lai. "Chúng tôi cần rất nhiều vị trí việc làm thuộc ngành xây dựng cầu đường trong thời gian tới bởi sự phát triển không ngừng của hệ thống giao thông liên bang.

Với sự nhanh nhạy của các ứng viên người Việt Nam đang theo học thực hành tại đây, chúng tôi mong muốn nhận thêm nhiều bạn trẻ đến từ Việt Nam nữa để bổ sung lượng nhân sự thiếu hụt cho thời gian tới. Các bạn chỉ cần yêu nghề, học tiếng Đức thật tốt là có thể thông qua Trường Bildungswerk Bau (BiW) để đến DN chúng tôi phát triển nghề nghiệp bền vững" - ông Gabor Nagy chia sẻ.

Ông Karl Heinz Pfundner, Hiệu trưởng Trường BiW (bang Hessen - CHLB Đức), cho biết Trường BiW của ông chuyên đào tạo các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Ngoài việc sở hữu đội ngũ giáo viên giỏi, trường còn có cơ sở vật chất hiện đại phục vụ việc dạy và học thuộc hàng đầu của nước Đức nên thu hút nhiều học viên đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

"Chúng tôi vừa tiếp nhận 2 học viên đến từ Việt Nam sang học chuyên ngành xây dựng cầu đường. Hiện 2 học viên này đi thực tế tại công trường của các DN có liên kết với trường.

Đối tác của chúng tôi tại TP HCM là Viện IET đã làm cầu nối rất tốt khi có nhiều học viên sang đây học. Chúng tôi thống nhất sẽ mở rộng hợp tác để có thật nhiều bạn trẻ Việt Nam theo đuổi chuyên ngành xây dựng tạo dựng sự nghiệp ở Đức trong tương lai" - ông Karl Heinz Pfundner nói.

Ông MATTHIAS KAISER, Chủ tịch Tập đoàn Avestos (Đức):

Con đường hợp pháp, bền vững

Du học nghề sang Đức là con đường bằng phẳng, minh bạch nhất để bạn đến Đức - trung tâm kinh tế của châu Âu - nhằm phát triển sự nghiệp một cách bền vững. Khi sang Đức theo học mô hình đào tạo kép, bạn không phải tốn học phí mà còn được trả lương, hưởng các chính sách như một lao động thực thụ.

Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ được bố trí việc làm đúng vị trí đào tạo và hưởng mức thu nhập tương xứng. Không chỉ vậy, nếu tốt nghiệp ở Đức, tay nghề là một tài sản sinh lợi rất lớn giúp bạn làm việc tốt dù ở đâu.

Bài và ảnh: Giang Nam

Nguồn: nld.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC