Kể từ tháng 3/2020 đến nay, số người Đức mong muốn đăng ký kết hôn và sinh con đã tăng nhẹ, lên 64%. Theo tiến sĩ Horst W. Opaschowski thuộc Viện kinh tế quốc tế Berlin (Đức), trong thời kỳ khủng hoảng vì dịch bệnh, người độc thân cảm thấy bị bỏ lại một mình trong 4 bức tường và họ muốn lập gia đình, sinh con.
Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong năm 2020, đa số người Đức ủng hộ chuyện kết hôn. 69% phụ nữ và 65% nam giới được khảo sát đã ủng hộ điều này. Sự ủng hộ mạnh mẽ nhất dành cho việc đăng ký kết hôn được tìm thấy trong những người từ 40 đến 64 tuổi, với 72% số người ủng hộ.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, khoảng 416.000 cuộc hôn nhân đã được thực hiện ở Đức vào năm ngoái. Con số này thấp hơn đáng kể so với năm 2018. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tỷ lệ ly hôn tăng cao. Khoảng 149.000 cuộc hôn nhân đã kết thúc theo lệnh của tòa án vào năm ngoái, nhiều hơn gần 1.000 cuộc so với năm 2018.
Vẫn còn quá sớm để kết luận người Đức sẽ sinh con nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có một sự thay đổi mang tính tích cực. Nhà trị liệu tâm lý Wolfgang Kruger đến từ Berlin (Đức) nhận định: "Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, mọi người bị căng thẳng và cần đến những mối quan hệ có tính chất bền vững. Đăng ký kết hôn là một sự lựa chọn hợp lý".
Tiến sĩ Opaschowski lý giải: "Giấy đăng ký kết hôn ở Đức giờ đây không còn bị coi là biểu tượng của sự gò bó nữa. Đối với nhiều người, cuộc sống gia đình không chỉ cung cấp nhiều mối quan hệ mà còn có sự hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong những thời điểm khó khăn". Theo ông Opaschowski, Covid-19 đã khiến con người xích lại gần nhau về mặt suy nghĩ, dù rằng họ phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt để tránh lây lan dịch bệnh.
Các nhà nghiên cứu hy vọng, tỷ lệ người Đức kết hôn sẽ tăng trong thời gian tới Ảnh: DW
Lo ngại thiếu hụt lực lượng lao động
Trong những năm gần đây, Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo khảo sát của tiến sĩ Horst W. Opaschowski, trong 5 năm qua, trung bình chỉ có 8,3 trẻ chào đời trên 1.000 người dân. Tỷ lệ sinh ở Đức cũng tương đương như ở Nhật Bản và đây là hai quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Năm 2019, Đức có 18 triệu người sống trong hộ gia đình độc thân. Một con số đáng kinh ngạc nếu như chúng ta biết rằng, vào năm 1991, nước Đức có 12 triệu người sống trong hộ gia đình 1 người. Số người Đức được hỏi mong muốn "đăng ký kết hôn và sinh con cái" cũng đã giảm liên tục so với các năm trước, kể từ năm 2013 với 75% xuống còn 63% vào đầu năm 2019.
Những áp lực về kinh tế và các vấn đề xã hội khác khiến cho người Đức ngại chuyện lập gia đình. Trong khi đó, những người độc thân lại được chính phủ Đức hỗ trợ 344 euro mỗi tháng nên nhiều người thích sống một mình hơn.
Những con số thống kê này gợi sự lo ngại về việc thiếu hụt lực lượng lao động có thể gây nguy hại cho nền kinh tế của Đức. Theo các nhà nghiên cứu, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động sẽ là chìa khóa cho nền kinh tế Đức và cảnh báo sự co hẹp dân số ở độ tuổi lao động sẽ mang tới các ảnh hưởng tiêu cực.
Tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là phần trăm số người trong độ tuổi lao động (20-65 tuổi) cũng sẽ giảm trong tương lai gần. Điều này kéo theo các hệ lụy liên quan tới nền kinh tế Đức như phải tăng tỷ lệ nhập khẩu lao động, người sử dụng lao động đối mặt với việc tăng lương cho nhân viên trong tương lai...
Theo Phụ nữ Việt Nam