Theo một báo cáo mới đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về cách người tiêu dùng thanh toán tại 7 nước cho thấy, trung bình trong ví của người Đức sẽ có khoảng 123 USD, nhiều gấp đôi so với người Úc, Mỹ, Pháp và Hà Lan.
Trong đó, 80% giao dịch tại Đức được thanh toán bằng tiền mặt (ở Mỹ, tỉ lệ này còn thấp hơn 50%). Thậm chí các giao dịch lớn tại nước này cũng được trả hoàn toàn bằng tiền mặt.
Tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán tiền mặt tại các nước
Không ai biết chính xác lý do tại sao người Đức lại thích dùng tiền mặt đến như vậy.
Số liệu điều tra cũng cung cấp một vài gợi ý nhỏ, rằng người Đức cảm thấy việc sử dụng tiền mặt sẽ giúp họ theo dõi chi tiêu dễ dàng và thuận tiện hơn.
“Nhìn số tiền trong ví sẽ giúp chúng ta biết được mức độ chi tiêu và ngân sách còn lại là bao nhiêu.
Nếu tiền vẫn còn nhiều thì đây là một tín hiệu tốt. Chúng tôi phỏng đoán rằng đối với một số người tiêu dùng tín hiệu này vô cùng có giá trị , do đó họ ưu tiên sử dụng tiền mặt”, nhà phân tích của ECB đã từng nghiên cứu về vấn đề này cho biết.
Nhưng tất nhiên, thái độ của người dân Đức đối với tiền tệ là có nguyên do, chính là xuất phát từ thời kỳ hỗn loạn tài chính tiền tệ tại Đức. Trong thời kỳ siêu lạm phát của chính phủ cộng hòa Weimar – đỉnh điểm là năm 1923, giá cả bị đội lên một nghìn tỷ lần do Đức in nhiều tiền hơn để bồi thường chi phí chiến tranh nặng nề, dẫn đến giá trị đồng Weimar Mác bị giảm mạnh.
Lưu hành đồng Mác (Đức) thời chính phủ cộng hòa Weimar
Cuối cùng thì, một ổ bánh mì trị giá tới 428 tỷ Weimar Mác, còn 1kg bơ thì ngốn tới 6 nghìn tỷ.
Thông thường, chủ thuê sẽ trả tiền giấy cho người lao động vào giữa buổi sáng và thời gian làm việc sẽ được ngưng trong một giờ hoặc lâu hơn một chút, để người lao động có thể chạy xung quanh thật nhanh và tìm mua đồ nhanh nhất có thể trước khi đồng tiền họ đang cầm trở thành thứ vô giá trị.
Và tất nhiên, nếu tờ tiền đó trở nên vô dụng, họ sẽ dùng chúng vào những việc ngớ ngẩn khác như là dán tường, làm diều hoặc vứt vào lò đốt.
Giấy dán tường Weimar năm 1923
Nhưng đây vẫn chưa phải là lần cuối cùng đồng tiền của Đức trở thành thứ vô giá trị trong thế kỷ 20.
Sau Thế chiến II, đồng reichsmark lại một lần nữa bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn. Hitler đã tài trợ phần lớn cho cuộc chiến tranh bằng cách in tiền, giữ lạm phát thông qua chính sách đương thời của phát xít và các mỗi đe dọa bạo lực khác để kiểm soát giá một cách chặt chẽ. (“Lạm phát là một hình thức thiếu kỷ luật,” Hitler đã từng nói. “Tôi xem như giá cả vẫn đang ổn định, và đó là lí do tại sao binh lính của tôi có mặt ở đó”).
Trong suốt thời kỳ hậu chiến, quân Đồng minh đã giữ được mức lương và mức kiểm soát giá cả khá hiệu quả.
Nhưng ngày càng nhiều hoạt động kinh tế tập trung và di chuyển về thị trường chợ đen.
Một gói thuốc lá hiệu Camels hoặc Chesterfields, một bọc nylon hoặc một bút máy Parker – thứ mà quân đội Mỹ đóng quân tại Đức lúc đó có thể dễ dàng mua được tại căn cứ của họ, đã trở thành đồng tiền giao dịch không chính thống.
Cải cách tiền tệ vào ngày 20 tháng Sáu năm 1948, trong đó người dân Đức buộc phải chuyển đổi tiền của mình theo tỷ lệ hơn 10 đồng reichsmark bằng 1 đồng Mác Đức chính thống, đã khiến hơn 90% khoản tiền tiết kiệm của mỗi cá nhân bị bốc hơi hoàn toàn.
Nhưng việc này đã giúp giảm thiểu tình trạng trữ hàng hóa khi người dân bán lại cho các cửa hàng, khiến thị trường chợ đen trở nên suy yếu. Đây được xem là một bước khó khăn, nhưng cần thiết để Đức hồi sinh nền kinh tế sau chiến tranh
Như vậy, đồng Mác Đức đã trở thành niềm tự hào đáng giá, đầu tiên là đối với Tây Đức, sau đó là vào năm 1990 đối với những người Cộng sản Đông Đức (theo đó, họ được phép đổi tiền ostmarks vô giá trị của họ với tỷ giá ngang bằng với đồng Mác Đức chính thống).
Cho đến năm 2002, Đức lại tạo nên kinh ngạc mới khi chuyển đồng tiền cả nước sang đồng tiền chung châu Âu - Euro.
Vậy thì lịch sử tiền tệ của Đức có vai trò gì trong việc người dân Đức thích sử dụng tiền mặt?
Có một cách giải thích theo như các nhà nghiên cứu đã tìm thấy, rằng những ký ức về siêu lạm phát đã tồn tại khá mạnh mẽ và lâu dài trong tâm trí người dân Đức.
Thường thì người dân ở những nước từng bị khủng hoảng tiền tệ sẽ có xu hướng thích tiết kiệm tiền mặt, cho dù tích bằng tiền USD, còn hơn là gửi tiền vào ngân hàng (nhà kinh tế học tại FED New York nói rằng nhu cầu về tích trữ USD sẽ tăng ít nhất trong một thế hệ - những người đã từng trải qua và có kinh nghiệm với lạm phát).
Những nước như Bulgaria và Romania, người dân cũng thường dùng tiền mặt sau khi chứng kiến sự bất ổn về tiền tệ và khủng hoảng tài chính trong vài năm gần đây.
Bên cạnh đó, có lí do chỉ ra rằng không phải người Đức yêu tiền, sự thật là họ chỉ không thích phải nợ nần. (Nhà nhân chủng học giải thích, trong tiếng Đức từ nợ "Schulden" – xuất phát từ từ cảm giác tội lỗi – "Schuld")
Mức cho vay tiêu dùng ở Đức cũng rất thấp, ác cảm với việc nợ thế chấp cũng là một phần lý do tại sao tỷ lệ người dân nước này sở hữu nhà riêng thấp nhất trong các nước phát triển hiện nay.
Năm 2011, chỉ có 33% người Đức cho biết họ có thẻ tín dụng. Còn lại thì đa số mọi người hầu như không bao giờ sử dụng thẻ. Trong năm 2013, chỉ có 18% giao dịch tại Đức được thanh toán qua thẻ, trong khi đó tỷ lệ này ở Pháp là 50% và ở Anh là 59%.
Việc ưa sử dụng tiền mặt và có ác cảm với việc phải vay nợ được hiểu như là một dấu hiệu của sự nghi ngờ sâu xa về tương lai (các doanh nhân người Đức cũng cho biết họ luôn có cảm giác bi quan về tương lai). Và sự lo sợ này, tất nhiên, bắt nguồn từ quá khứ.
Nói cách khác, việc người Đức có xu hướng dùng tiền mặt không thể phủ nhận là một phản ánh thực tế của nhiều thập kỷ trước. Khi đó, Đức đứng giữa hai bên bờ, một là đấu tranh để phục hồi từ từ, hai là “gục ngã”.
Nhưng may mắn là cú sốc tổn thương tinh thần đó đã biến mất, nhờ một dấu ấn mang tên – đồng Mác Đức chính thống.
Kim Ngân