Tình thế khó khăn của EU
Không chỉ đối mặt với nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ, EU còn phải đối phó với căng thẳng thương mại ngày càng leo thang với Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ một cuộc trả đũa tàn khốc.
Vấn đề vượt xa phạm vi kinh tế, nó liên quan đến sự đảo lộn trật tự thế giới hiện hành: cuộc xâm lược Ukraina của Nga được Trung Quốc hậu thuẫn, Mỹ dưới thời Donald Trump công khai thách thức luật pháp thương mại quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương… Nhưng đằng sau những biến động bề nổi ấy còn là những nguyên nhân sâu xa hơn.
Ảnh minh họa: Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU.
Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Trump liên tục đe dọa áp thuế lên toàn cầu, phá bỏ các quy tắc thương mại quốc tế đã được thiết lập từ nhiều thập kỷ, nhằm gây sức ép để đạt được các thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho Washington.
Trung Quốc được xem là đối thủ chính của chính quyền Trump, nhưng cuộc đối đầu Mỹ-Trung lại đặt EU vào thế vô cùng khó xử. EU đối mặt nguy cơ "lưỡng đầu thọ địch", bị cuốn vào "hai cuộc chiến tranh thương mại" với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chịu sức ép từ Washington phải đứng về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Ba tháng đàm phán: Tổng thống Trump "chưa ngả bài"
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã quyết định tăng thuế quan 25% đối với ô tô và 50% đối với thép, nhôm của châu Âu, cùng mức thuế 10% với nhiều sản phẩm khác, có thể tăng lên 30% vào ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận. Trong ba tháng đàm phán, chưa có bất kỳ sự nhượng bộ nào đạt được.
Cuộc gặp giữa Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic với các quan chức Mỹ vào ngày 18/7 tại Washington cũng không mang lại kết quả khả quan.
Cho đến nay, EU vẫn chưa áp dụng các biện pháp trả đũa, hy vọng đạt được thỏa thuận với chính quyền Trump. Tuy nhiên, theo chuyên gia địa chính trị và thương mại Elvire Fabry, viện tư vấn Jacques Delors (Pháp), Trump dường như không tìm kiếm một thỏa thuận mà mục tiêu thực sự là xóa bỏ các quy định của châu Âu về kỹ thuật số và y tế. Theo Le Monde, Ủy viên Sefcovic trong chuyến thăm Mỹ đã phải làm việc với những người không rõ ràng về mục tiêu của Tổng thống Trump và thiếu quyền quyết định.
Vòng xoáy trả đũa leo thang giữa EU và Trung Quốc
Trong khi chính quyền Trump gia tăng sức ép lên EU và không mở cửa cho bất kỳ thỏa hiệp nào khi thời hạn chót đang đến gần, xung đột thương mại giữa EU và Trung Quốc ngày càng trầm trọng. EU phải đối mặt với thâm hụt thương mại với Trung Quốc không ngừng tăng, đạt 305 tỷ euro vào năm 2024.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu hàng hóa xuất khẩu của EU không thể vào được thị trường Mỹ, sẽ tràn vào châu Âu, buộc EU phải sử dụng "các công cụ phòng vệ thương mại", và có thể dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Những tuần gần đây, Trung Quốc đã tấn công vào hàng xuất khẩu của châu Âu, như rượu, thiết bị y tế, để đáp trả các biện pháp "chống cạnh tranh bất chính" của EU.
Từ tháng 4, Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu nhiều loại đất hiếm, một mặt hàng chiến lược rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô. Tình hình đang trở nên "ngày càng không thể chấp nhận được", và nếu kéo dài, EU sẽ buộc phải có các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình.
Điểm yếu của EU: Phụ thuộc nặng nề vào khoáng sản chiến lược và công nghệ số
Mặc dù EU có quy mô kinh tế lớn hơn Trung Quốc (GDP 20.000 tỷ USD so với 18.700 tỷ USD của Trung Quốc, chỉ dưới Mỹ với 26.900 tỷ USD), nhưng giữa nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao và Trung Quốc gia tăng rào cản thương mại, EU dường như không có nhiều lựa chọn.
Theo Patrick Artus, cố vấn kinh tế của Ossia, thành viên của trung tâm tư vấn Cercle des économistes (được Le Point dẫn lại), EU yếu thế trong đàm phán do "yếu kém về khoáng sản chiến lược, gần như thiếu nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, sự kém phát triển của lĩnh vực công nghệ và sự phụ thuộc vào các công nghệ thông tin và truyền thông của Mỹ".
Cụ thể, EU phụ thuộc nặng nề vào đất hiếm (90% hoạt động tinh chế toàn cầu ở Trung Quốc), pin sạc (73% sản xuất toàn cầu ở Trung Quốc), tấm pin mặt trời (78% thị phần toàn cầu thuộc về Trung Quốc), và nguyên liệu dược phẩm (40% thị phần toàn cầu thuộc về Trung Quốc).
Về quan hệ thương mại EU-Mỹ, Mỹ là đối tác nhập khẩu lớn nhất của EU (532 tỷ euro năm 2024), với ô tô, thiết bị công nghiệp và sản phẩm y tế chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU - và đây cũng là các mục tiêu bị Washington nhắm tới.
Bên cạnh dầu mỏ, khí đốt, EU còn phụ thuộc nặng vào các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ (viễn thông, tin học, thông tin…) với thâm hụt dịch vụ lên tới 148 tỷ euro.
Sự thiếu đoàn kết nội bộ trong EU
Một điểm yếu khác của EU là sự thiếu đoàn kết nội bộ. Các nước Đông Âu mong muốn Mỹ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nga ở Ukraina và đóng góp vào quốc phòng châu Âu. Đức, Ý và Ireland, ba nước chiếm gần hai phần ba kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ, lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Cho đến nay, Ủy ban châu Âu tránh đối đầu trực tiếp với Washington, chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trả đũa nào để bảo vệ đoàn kết nội bộ. Gói trả đũa đầu tiên (thuế quan bổ sung 21 tỷ euro hàng hóa Mỹ) đã được hoãn đến ngày 6/8.
Gói thứ hai (72 tỷ euro) cũng đã được chuẩn bị nhưng chưa được thông qua. Gói thứ ba, bao gồm cấm các công ty Mỹ tham gia đấu thầu các dự án nhà nước hay áp thuế lên các tập đoàn công nghệ số Mỹ, đang được xem xét.
EU ưu tiên thỏa hiệp với Mỹ để tránh chiến tranh thương mại, dù có thể chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen nhấn mạnh "mọi lựa chọn đều có thể được xem xét", ngụ ý bao gồm cả các biện pháp trả đũa mạnh mẽ.
Ngày 18/7, Đức có dấu hiệu thay đổi lập trường, không còn phản đối việc áp dụng các biện pháp trả đũa. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết đã có sự đồng thuận về việc đẩy nhanh gói trả đũa thứ ba.
Áp lực từ Mỹ, tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc: Chiến lược "một mũi tên trúng hai đích" của Trump?
Thực tế, căng thẳng Mỹ-EU vượt xa phạm vi thương mại. Cùng với các đe dọa trừng phạt, Trump hy vọng EU sẽ đứng về phía mình chống lại Trung Quốc. Leopoldo Rubinacci, quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ thương mại với Mỹ, cho biết chính quyền Mỹ yêu cầu Bruxelles "tuân thủ 100%" chiến lược của Mỹ đối với Bắc Kinh.
Nhiều chuyên gia cho rằng EU nên đứng về phía Mỹ, và có cả một "Vạn Lý Trường Thành" ngăn cách EU với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại về sức ép của Mỹ buộc EU phải chống Trung Quốc dưới danh nghĩa chống độc tài, và chiến lược "bắt cá hai tay" của Mỹ khi chính quyền Trump đang tìm cách đạt được thỏa thuận riêng với Bắc Kinh. Việc liên kết với lập trường đối đầu của Washington sẽ làm suy yếu quyền tự chủ của EU và đẩy nhanh sự phân mảnh kinh tế toàn cầu, gây tổn hại cho nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của châu Âu.
Tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc, thúc đẩy trật tự toàn cầu mới
Gerhard Stahl, chuyên gia của viện tư vấn FEPS, cảnh báo EU không để bị Mỹ đàm phán với Trung Quốc "trên lưng" EU.
Ông nhấn mạnh rằng cốt lõi của cuộc đối đầu Mỹ-Trung là "nỗi lo sợ của Washington về một thế giới đa cực mới đang hình thành", với sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức vai trò thống trị của Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào ngày 24 và 25/7 tại Bắc Kinh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương, sẽ là cơ hội để thiết lập hợp tác với Trung Quốc.
EU cần nỗ lực bảo vệ lợi ích của mình, chống chiến tranh thương mại với Mỹ và Trung Quốc, hướng đến cam kết với Trung Quốc "không ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ gây bất lợi cho các bên thứ ba", đồng thời thúc đẩy trật tự toàn cầu mới dựa trên luật pháp và hợp tác đa phương.
Hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp EU thoát khỏi thế "lưỡng đầu thọ địch" và không bị Mỹ thao túng. Tuy nhiên, việc thiết lập hợp tác với một quốc gia mà EU coi là "đối tác, thế lực cạnh tranh và đối thủ hệ thống", và đang hậu thuẫn Nga, là điều vô cùng khó khăn.
Nguyễn Thanh Bình - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC