Bắc Kinh giận dữ cảnh báo Brussels đang "gây tổn hại nghiêm trọng" tới lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc, sau khi một số ngân hàng nước này bị nhắm mục tiêu trong gói trừng phạt thứ 18 của EU nhằm vào Nga.

1 Trung Quoc Cay Cu Dap Tra Vi Bi Chau Au Giang Don Dau Don Giua Cang Thang Ukraine Nga

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm. Ảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Ngày 18/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian) cho biết một số ngân hàng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mới được Liên minh châu Âu (EU) thông qua nhằm vào Nga. Đây là lần đầu tiên EU mở rộng trừng phạt sang các thực thể tài chính của Trung Quốc, với cáo buộc hỗ trợ Nga lách lệnh cấm.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Lâm khẳng định Bắc Kinh “kiên quyết phản đối mọi biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào công dân và doanh nghiệp Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh Trung Quốc không đứng về bên nào trong xung đột Ukraine, và đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình.

“Hoạt động thương mại và hợp tác bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga không nên bị cản trở một cách vô lý. Chúng tôi kêu gọi EU chấm dứt ngay hành vi tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt khi không có bằng chứng xác thực nào”, ông Lâm tuyên bố.

Ông cũng chỉ trích rằng các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế, do không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Theo ông Lâm, Trung Quốc không cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc chiến, đồng thời “kiểm soát nghiêm ngặt” các mặt hàng lưỡng dụng có thể phục vụ mục đích quân sự.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, với một loạt biện pháp mới gây sức ép lên lĩnh vực năng lượng và tài chính của Moscow. Trong đó: Cấm hoàn toàn các hợp đồng liên quan đến hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream; Giảm trần giá dầu Nga từ 60 USD xuống còn khoảng 47 USD mỗi thùng; Hủy bỏ quyền miễn trừ cho Cộng hòa Czech trong việc nhập khẩu dầu từ Nga.

Đáng chú ý, EU cũng mở rộng phạm vi trừng phạt sang các công ty thuộc "nước thứ ba" – tức những doanh nghiệp ngoài EU bị cho là hỗ trợ Nga lách lệnh cấm. Một số ngân hàng Trung Quốc được cho là đã cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, và đang đối mặt với các hình phạt theo diện này.

Động thái của EU được giới phân tích đánh giá là leo thang đáng kể trong chiến dịch siết chặt vòng vây tài chính quanh Nga, nhưng đồng thời cũng đe dọa căng thẳng với Bắc Kinh, vốn là đối tác kinh tế lớn của khối này.

Hiện phía EU chưa công bố danh sách cụ thể các ngân hàng Trung Quốc bị nhắm mục tiêu, nhưng nhiều khả năng các tổ chức tài chính có quan hệ với ngân hàng trung ương hoặc công ty công nghiệp quốc phòng Nga sẽ là trọng tâm.

Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp, vụ việc này có thể trở thành một điểm nóng mới trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Theo NV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC