Khách du lịch đến Dresden (CHLB Đức) ai cũng muốn được tới thăm nhà thờ Đức Bà (Frauenkirche).
Mong muốn đó có lý do, bởi nhà thờ này là biểu tượng đặc biệt của thành phố vốn một thuở được mệnh danh là Firenze bên dòng sông Elbe.
Và bây giờ nó còn là biểu tượng của hòa bình, sự hòa giải giữa các dân tộc, của lòng mong đợi và đức tin.
Nhà thờ Đức Bà ở Dresden được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 (1726-1743) theo lối kiến trúc Baroque vốn lúc bấy giờ đang thịnh hành (Dresden trước Chiến tranh thế giới thứ hai được coi là thành phố Baroque hoàn hảo nhất thế giới) trên nền của ngôi nhà thờ cũ đã tồn tại ở đây từ thế kỷ thứ 11, nhưng đến thế kỷ thứ 18 nó không còn đáp ứng được nhu cầu của những con chiên ngày càng một đông.
Dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư George Bähr, nhà thờ đã được xây dựng hoành tráng và lộng lẫy.
Đến bây giờ Frauenkirche vẫn được xem là nhà thờ tin lành lớn nhất nước Đức và lúc ấy còn được coi là một công trình thế kỷ của Dresden bởi mái vòm nhà thờ lớn nhất cả phía bắc dãy Alpe hoàn toàn được làm bằng đá sa thạch.
Nhà thờ Đức Bà Dresden vừa là biểu tượng vừa là linh hồn của Dresden trong suốt hai thế kỷ từ khi nó được xây dựng cho đến khi những loạt bom Anh và Mỹ thả xuống thành phố ngày 13-2-1945 trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong đêm rải thảm bom kinh hoàng của quân đồng minh ấy, khi ít nhất 35.000 người đã thiệt mạng và hơn 90% khu trung tâm của thành phố bị phá hủy và bị thiêu rụi thì nhà thờ vẫn hiên ngang đứng vững.
Song cũng chỉ được đến ngày 15-2, hai ngày sau trận bom, dải thảm mái vòm nhà thờ vốn đứng vững suốt 200 năm cả dưới pháo đạn của quân Thụy Điển và quân Preussen trong cuộc chiến tranh 7 năm, cũng bị sức mạnh của thần lửa đưa về với cát bụi, tạm thời kết thúc lịch sử nhà thờ vốn là một trong 4 danh lam nổi tiếng khắp thế giới của Dresden.
Cả nhà thờ sau đó chỉ có hai phần mảnh tường cao khoảng 20m, còn lại là một khối đổ nát suốt hơn 45 năm.
Linh hồn của Dresden mất đi để lại cho người dân nơi này những tiếc nuối và lòng mong mỏi một ngày nào đấy nó sẽ lại trở về.
Bên ngoài Frauenkirche
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhà thờ không được dựng lại mà cái đống đổ nát ấy trở thành nơi tưởng niệm những nạn nhân oan ức và cũng là biểu tượng chống chiến tranh.
Hằng năm vào ngày 13-2, Dresden lại tưởng niệm ngày thành phố bị tàn phá bên phế tích nhà thờ.
Và cũng từ đây cuộc cách mạng nhung của Đức đã được xuất phát để phát triển thành cao trào là những cuộc biểu tình tuần hành tại nhà thờ Nikolai ở Leipzig dẫn đến việc thống nhất nước Đức.
Linh hồn của Dresden phải được trở về, chính vì vậy ngay sau khi thống nhất nước Đức, những người có tâm huyết với thành phố đã lập một câu lạc bộ những nhà hảo tâm nhằm vận động và quyên góp tiền của để xây lại nhà thờ cũng với mong mỏi hàn gắn lại hoàn toàn vết thương chiến tranh sau gần 50 năm cuộc chiến đi vào dĩ vãng.
Công cuộc xây dựng lại nhà thờ được bắt đầu năm 1993.
Một phần bàn thờ
Với những nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu người trên thế giới, sau hơn 10 năm xây dựng công phu và tỉ mỉ, nhà thờ đã được hoàn thiện như như hiện trạng cũ vào năm 2005.
Phần lớn tiền xây lại nhà thờ này là do quyên góp mà có, tất cả hơn 130 triệu euro - một con số thật khó tưởng tượng.
Để tưởng nhớ đến ngôi nhà thờ cũ và cũng để nhắc nhở những thế hệ mai sau đừng bao giờ gây ra chiến tranh, họ đã dày công dọn dẹp đống đổ nát, chọn lọc và đánh dấu từng viên đá của nhà thờ cũ có thể dùng được để chúng lại trở về nguyên vị trí nó vốn có.
Một phần ba tổng số những viên đá của nhà thờ mới dựng lại là những viên đá của nhà thờ cũ được tái sử dụng.
Chính vì vậy, giờ đây khi đến thăm nhà thờ bạn sẽ thấy những viên đá sa thạch màu đen của nhà thờ cũ do thời gian tạo nên, khác hẳn với những viên đá xung quanh màu vàng nhạt của đá sa thạch vùng Sächsische Schweiz, như một cách ghi dấu ấn lịch sử mà nhà thờ cũng như người dân nơi này đã trải qua.
Nhà thờ Đức bà nhìn từ bên sông
Được xây dựng lại dưới khẩu hiệu “xây cầu nối, sống giảng hòa, thêm đức tin”, việc xây dựng lại nhà thờ là một quá trình công phu và là một kỳ tích của lòng hảo tâm, sự hòa giải và lòng vị tha.
Khi dọn đống đổ nát ấy, người ta phát hiện cây thành giá của nhà thờ cũ, vốn rơi từ trên độ cao hơn 90m, dù bị méo mó nhưng không hề gãy vỡ hay bị lưỡi lửa hung thần nung chảy.
Hiện cây thánh giá được trưng bày trong nhà thờ, còn cây thánh giá mới hiện đang tọa lạc trên đỉnh nhà thờ là quà tặng của thành phố Coventry (Vương quốc Anh), thành phố cũng bị bom của Đức quốc xã thiêu rụi trong Thế chiến thứ hai - chính vì vậy nó cũng là biểu tượng của sự hòa giải giữa hai dân tộc Anh và Đức.
Một chi tiết thật thú vị là cây thánh giá mới do một thợ kim hoàn tên Alan Smith ở London - con trai của một phi công Anh đã tham gia ném bom ở Dresden đêm 13-2-1945 - chế tạo và được chính Nữ hoàng Anh Elizabeth II tạm biệt trước khi chuyên chở tới Dresden.
Không chỉ có quà tặng từ Anh mà Ba Lan
- một dân tộc cũng bị Đức quốc xã xâm lược - cũng góp một phần tiền của để xây dựng nhà thờ Đức Bà.
Bên trong nhà thờ Đức Bà
Ông Marian Sobkowiak từ thành phố Gostyn, Ba Lan đã kêu gọi người dân thành phố này và chính quyền sở tại quyên góp tiền để làm một chiếc bình hình ngọn lửa vĩnh cửu tặng nhà thờ, dù năm 1942 ông cùng 15 người dân của Gostyn bị Đức quốc xã bắt và tuyên án tử hình ngay tại Dresden (may mắn chỉ ông và hai người nữa trốn thoát trong khi 12 người bạn xấu số đã phải bỏ xác nơi này).
Ngọn lửa ấy thật sự là biểu tượng cao cả của lòng vị tha.
Việc xây dựng lại nhà thờ này mang nhiều ý nghĩa, vừa xóa đi dấu vết cuối cùng của cuộc chiến tranh đã đi qua 60 năm vừa là cầu nối giữa các dân tộc, là biểu tượng của hòa bình, của lòng vị tha và cũng là nguồn vui vô bờ bến của thế hệ người Dresden sinh ra trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong đêm bom Anh và Mỹ ném xuống Dresden, không biết có bao nhiêu người đã được nhà thờ cứu mạng khi họ xuống hầm nhà thờ tránh bom, chỉ biết rằng năm 2004 khi người ta đưa cây thánh giá lên đỉnh nhà thờ hoàn tất phần ngoài của nó, hàng chục ngàn người Dresden đã đổ về chứng kiến khoảnh khắc lịch sử với sự xúc động nghẹn ngào và những đôi mắt hoe đỏ của rất nhiều cụ già gần đất xa trời.
Người trẻ vui vì được thấy một nhà thờ hoàn hảo mà họ đã nhiều lần được nghe nhưng mãi đến giờ mới được thấy tận mắt, người già vui đến rớt nước mắt vì khoảnh khắc đó như một cuộc hội ngộ của những người thân sau 60 năm xa vắng...
Nhà thờ Đức Bà và sông Elbe
Nhà thờ mới được hoàn thiện ngày 31-10-2005
sớm hơn so với dự kiến để chào mừng 800 năm ngày thành lập Dresden.
Kể từ đó đến nay đã có hơn 2,5 lượt triệu người vào thăm nhà thờ, nó không chỉ dành cho con chiên mà còn cho toàn bộ người dân ở Dresden và khách du lịch và dù không có hội đoàn các con chiên riêng, nhưng đây là nơi bất cứ ai cũng có thể vào thăm và dự lễ thánh.
Đặc biệt, tại đây thường xuyên diễn ra các buổi hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Dresden và các dàn nhạc nổi tiếng khác.
Kiến trúc nhà thờ ở phía trong tương đối giống và lộng lẫy như một nhà hát opera với âm thanh rất chuẩn vì thế những buổi hòa nhạc ở đây sẽ mang lại cho mọi người những cảm xúc thật mới lạ.
Hấp dẫn và thú vị nhất với tôi là các buổi hòa nhạc vào dịp lễ Giáng sinh, tuy không là người theo đạo nhưng những ngày này vào trong nhà thờ xem lễ thánh và nghe hòa nhạc có cảm giác thật đặc biệt khó diễn tả bằng lời.
Điểm đáng chú ý nữa là những bức tranh vẽ trên trần của nhà thờ.
Họa sĩ vẽ lại những bức tranh này đã phải dày công tìm kiếm học hỏi để có thể vẽ đúng như họa sỹ người Ý đã vẽ cách đây 260 năm.
Cũng khá hấp dẫn và thú vị khi trèo lên tháp nhà thờ, phía trên mái vòm nổi tiếng để ngắm nhìn khung cảnh thành phố với dòng sông Elbe uốn lượn và lững lờ chảy quanh khu phố cổ.
Cách đây 20 năm ai dám nghĩ một ngày nào đó lại được trèo lên nóc nhà thờ Đức Bà để hưởng những ngọn gió từ sông Elbe thổi đến, để ngắm nhìn nhà hát opera, để xem cung vua Zwinger nổi tiếng thế giới hay lâu đài của dòng họ Wettin từ trên tháp của nhà thờ Đức Bà, linh hồn của cả một thành phố vốn một thời nổi tiếng khắp thế giới.
Bài và một số ảnh của: Nam Vinh & Vi Bằng
Nguồn: DULICHDUC.DE