"Dòng người lánh nạn chiến tranh từ Ukraine, trong đó có không ít người Việt Nam đang trên mọi nẻo đường tìm đến các nước EU và Đức. Họ rất cần sự đùm bọc giúp đỡ" - Đây là lời kêu gọi đang được chia sẻ mạnh mẽ trong các hội đoàn của cộng đồng người Việt tại Đức.
Hiện các Hội đoàn người Việt, các nhóm sinh hoạt tại Đức đã tạm thời giảm bớt hoạt động văn hóa giao lưu, để dành thời gian và công sức cho việc tổ chức, phối hợp cứu trợ đồng bào di tản từ Ukraine. Theo đó, rất nhiều người đã tới khu vực biên giới để đảm nhận công việc thông dịch, hướng dẫn làm thủ tục, hỗ trợ di chuyển và nhất là lo các bữa ăn, phát những vật dụng cấp thiết ban đầu...
Trên trang Facebook Pham Manh Cuong cũng chia sẻ thông tin đáng chú ý cho người Việt khi di tản sang Đức.
"Điều đặc biệt chú ý khi xin ở lại Đức:
Hiện nay luật chấp nhận tị nạn chỉ cho những người lánh nạn chiến tranh tại Ukraine, có quốc tịch Ukraine và đến từ 1 nước thứ 3, ráp ranh với Đức. Những công dân lánh nạn chiến tranh ở Ukraine từ các nước ráp ranh nên đến Đại sứ quán Đức tại nước sở tại xin giấy phép vào Đức.
Các bạn lánh nạn chiến tranh vào Đức tuyệt đối không khai vào đơn Tị nạn chính trị.
Khi các bạn được chấp nhận ở lại Đức sẽ được chấp nhận cư trú tạm thời khoảng 90 ngày. Sau thời gian này các bạn sẽ được cấp thẻ cư trú tạm thời từ 1-3 năm. Và có thể được đi làm luôn".
Trong đó, thông tin đặc biệt người Việt cần lưu ý là phải nhất thiết phải đăng ký và trình diện nếu không sẽ bị quy là ở lại Đức bất hợp pháp và bị phạt tiền rất lớn sau này, ảnh hưởng tới việc xét đơn xin làm việc và ở lại Đức lâu dài.
Sau khi được chấp nhận vào Đức, có thể đi tiếp sang các nước khác như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Áo, Ba Lan, Thụy Sĩ, Slovakia, Cộng hòa Séc...
Xin đặc biệt lưu ý :
- Tới Đức cần đi thẳng đến các trung tâm tiếp nhận người tị nạn "Ankunftszentrum" để đăng ký.
- Đăng ký càng sớm càng tốt bởi sẽ trở thành "người sống hợp pháp" ở Đức, được nhận BẢO HIỂM Y TẾ, được bố trí nơi ăn ở và đẩy nhanh thủ tục để trẻ em được đi học, người lớn được phép đi làm. Chậm đăng ký ngày nào thiệt thòi ngày đó.
- Có quốc tịch Ukraine hoặc giấy tờ chứng minh sống hợp pháp ở Ukraine thì hãy làm đơn xin qui chế "tị nạn chiến tranh"/"Kriegsflüchtlinge", không xin "tị nạn chính trị".
- Không có giấy tờ chứng minh được xuất xứ của mình thì không được nhận qui chế tị nạn chiến tranh, hãy nhờ các cá nhân, tổ chức thiện nguyện ở Đức giúp đỡ, cố vấn tại chỗ xem nên làm gì tiếp theo là tốt nhất.
Trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã có thư ngỏ gửi Cộng đồng người Việt Nam và Các hội đoàn người Việt Nam tại Ukraine về thông tin hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ukraine sơ tán.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các nước Ba Lan, Nga, Hungari, Rumani, Slovakia và Belarus tìm hiểu thông tin cho quá trình sơ tán, tổ chức đón và hỗ trợ bà con từ Ukraine trong trường hợp bà con sơ tán sang các nước lân cận.
Lê Hoàng/VOV.VN