Niềm tin vào đồng Euro hiện nay đang bị dao động, khi mà có không ít người lo ngại cho các khoản tiền tiết kiệm của họ. Tờ Spiegel đã đưa ra những nhận định mới nhất về tình trạng tài chính hiện nay.
Các quốc gia sử dụng đồng Euro đã chi 750 tỷ Euro để cứu trợ các quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng, ngân hàng trung ương châu Âu đã bắt đầu mua vào trái phiếu chính phủ kém thanh khoản, tỉ giá đồng Euro dao động thất thường.
Kế hoạch cứu trợ mới của các nước sử dụng đồng Euro nhằm ổn định tiền tệ có vẻ như mang lại tâm lý bình tĩnh cho các nhà đầu tư. "Tuy nhiên họ cũng nên lưu ý rằng dòng tiền đưa vào lưu thông càng nhiều thì càng làm giảm giá trị của nó nếu không có sự tăng trưởng tương ứng của nền kinh tế ", ông Wolfgang Gerke, chuyên gia thị trường tài chính và chứng khoán chia sẻ.
Song cũng có một số nhà kinh tế khác cho rằng trái ngược với chi tiêu công, chi tiêu trong dân chúng đang ngày càng thắt chặt. Vào những thời điểm nhạy cảm, họ thường có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn tại các ngân hàng. Vấn đề nên xem xét lúc này là kịch bản của Nhật, đất nước từ hơn một thập kỉ qua vẫn trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, và mặc dù chính sách chi tiêu của chính phủ vô cùng hào phóng nhưng cho tới nay nó không đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng nhưng cũng không phải chịu mức lạm phát quá cao.
Thêm vào đó, trong một tương lai gần, các chính phủ sẽ đẩy mạnh tiết kiệm nhằm làm giảm bớt các khoản nợ khổng lồ. Các khoản chi tiêu và đầu tư công theo đó buộc phải cắt giảm, do đó lạm phát sẽ có xu hướng giảm xuống.
Vậy nhận định nào là đúng đắn? Các số liệu mới nhất hiện nay tại Đức mới chỉ thể hiện được rất ít chỉ dẫn. Vào tháng 4, tỉ lệ lạm phát của Đức lại một lần nữa giảm nhẹ từ 1,1% xuống mức 1%. Tuy nhiên, mức tăng gần đây nhất trong giá bán buôn lại thể hiện tỉ lệ tăng cao hơn trong mức giá chung.
Hương Vũ - ©tintucvietduc.de