Hôm 15-3, cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế sau khi ít nhất có thêm 11 người biểu tình phản đối chính biến thiệt mạng ở Myanmar, theo hãng tin AFP.
Ít nhất 138 người biểu tình ôn hòa thiệt mạng
Liên Hợp Quốc (LHQ), Mỹ, Trung Quốc và Anh đồng loạt lên án bạo lực mà theo LHQ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 138 người biểu tình hòa bình, trong đó có trẻ em và phụ nữ, kể từ khi nổ ra chính biến hôm 1-2.
Đến nay, các tướng lĩnh quân đội Myanmar không có dấu hiệu cho thấy họ chú ý đến lời kêu gọi kiềm chế.
Binh sĩ xuất hiện gần những rào chắn tạm bợ do người biểu tình dựng lên tại thị trấn Hlaingthaya ở Yangon hôm 14-3. Ảnh: AFP
Hôm 14-3 là ngày chết chóc nhất ở Myanmar khi có hơn 30 người biểu tình thiệt mạng trong bối cảnh lực lượng an ninh trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Tuy nhiên, những vụ giết người trên không ngăn người biểu tình xuất hiện trở lại vào ngày 15-3 chỉ để đối mặt với những gì mà nhân chứng nói là vũ lực chết người của chính quyền quân sự.
Hôm 15-3, sáu trường hợp tử vong được báo cáo tại TP Myingyan. Truyền thông nhà nước Myanmar cho biết thêm một người thiệt mạng tại TP Monywa, trong khi theo một bác sĩ địa phương và ghi nhận của AFP, hai thanh niên trong độ tuổi ngoài 20 tử vong ngay tại chỗ ở Mandalay.
Một đài truyền hình nhà nước hôm 15-3 xác nhận một sĩ quan cảnh sát đã bị bắn chết tại TP Bago, đông bắc Yangon trong một cuộc biểu tình.
“Hai người đàn ông thiệt mạng do những phát súng và sáu người khác bị thương” – một nhân chứng tại thị trấn Aunglan thuộc vùng Magway nói với AFP. Người này thêm rằng một trong số người chết bị bắn vào ngực.
“Anh ấy ở ngay bên cạnh tôi. Một người khác bị bắn vào đầu” – người này nói.
Quân đội đã đáp trả lời kêu gọi khôi phục dân chủ ở Myanmar bằng những phát đạn” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói với báo giới hôm 15-3.
“Mỹ tiếp tục kêu gọi tất cả quốc gia thực hiện hành động cụ thể để phản đối cuộc chính biến và bạo lực leo thang” – bà Porter nói.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng động quốc tế, bao gồm những nước trong khu vực cùng nhau đoàn kết với người dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ của họ, người phát ngôn của ông Guterres – ông Stephane Dujarric nói hôm 15-3.
Phái viên LHQ tại Myanmar Christine Schraner Burgener cũng lên án cuộc đẫm máu hôm 14-3, trong khi Anh nói rằng nước này kinh hoàng trước việc sử dụng vũ lực chống lại người dân vô tội tại Myanmar.
Trung Quốc lo ngại
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc chính biến, với các cuộc biểu tình hằng ngày yêu cầu khôi phục nền dân chủ bất chấp việc chính quyền quân sự ngày càng bạo lực nhằm dập tắt biểu tình.
Người dân tham gia biểu tình phản đối chính biến tại ngã ba Hledan thuộc TP Yangon hôm 14-3. Ảnh: REUTERS
Phần lớn những người thiệt mạng hôm 14-3 là do đụng độ tại một quận chuyên sản xuất hàng may mặc ở TP Yangon, nơi nhiều nhà máy do Trung Quốc làm chủ bị san bằng. Nhiều người biểu tình tin rằng cuộc chính biến hôm 1-2 là do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Sáu thị trấn ở Yangon đặt trong tình trạng thiết quân luật đến sáng. Bất kỳ ai bị bắt ở đó đều đối mặt với phiên xét xử của tòa án quân sự chứ không phải tòa án dân sự mà mức án có thể là từ ba năm lao động khổ sai cho tới bị hành hình.
Những cuộc đụng độ khiến Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ. Hôm 15-3, Trung Quốc hối thúc Myanmar hành động kiên quyết để ngăn những vụ việc như vậy tái diễn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mô tả vụ bạo lực là “ghê tởm”.
Trung Quốc rất lo ngại về sự an toàn của các tổ chức và công dân Trung Quốc, ông Triệu nói. Người này nói thêm lực lượng an ninh Myanmar đã tăng cường khu vực xung quanh các nhà máy.
Trong khi đó, Đài Loan khuyến cáo các công ty của vùng lãnh thổ này tại Myanmar treo cờ Đài Loan để tránh bị tấn công.
Phiên điều trần của bà Suu Kyi bị hoãn
Theo kế hoạch, phiên điều trần của nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi diễn ra vào 10 giờ sáng ngày 15-3 tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, song đã bị hoãn tới ngày 24-3. Thông tin này do luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi tiết lộ với AFP.
Người biểu tình kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: EPA-EFE
“Không có phiên điều trần nào do không có internet và phiên điều trần được tổ chức trực tuyến… Chúng tôi không thể làm video” – ông Maung Zaw nói.
Nhà chức trách Myanmar đã kiểm soát internet hàng đêm trong nhiều tuần qua và thường khôi phục vào buổi sáng. Tuy nhiên, dịch vụ theo dõi Netblocks cho biết mạng lưới dữ liệu di động ngoại tuyến hôm 15-3.
Bà Suu Kyi đối mặt ít nhất bốn cáo buộc. Chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc bà nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp – điều mà luật sư của bà nói là vô căn cứ.
Thiên Thanh
Nguồn: plo.vn