Trước thời điểm Donald Trump chuẩn bị nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/01/2025, Đại sứ Andreas Michaelis bày tỏ những lo ngại sâu sắc về những thay đổi căn bản trong cấu trúc quyền lực tại Mỹ. Những cảnh báo này được đưa ra với mức độ thẳng thắn hiếm thấy từ một nhà ngoại giao.
Trong một tài liệu phân tích mật gửi chính phủ Đức, Đại sứ Andreas Michaelis đã đưa ra những cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng về những thay đổi sắp tới trong chính sách và cơ cấu quyền lực tại Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2025. Nội dung báo cáo này đã được nhiều cơ quan truyền thông uy tín trích dẫn.
Theo phân tích của Đại sứ Michaelis, Trump đang chuẩn bị triển khai một chương trình nghị sự nhằm tạo ra "sự đứt gãy tối đa" trong hệ thống chính trị Mỹ ngay sau khi nhậm chức. Mục tiêu chính là tập trung tối đa quyền lực vào tay tổng thống, làm suy yếu vai trò của Quốc hội và các bang.
Điều này có thể dẫn đến việc phá vỡ các nguyên tắc dân chủ cơ bản và hệ thống kiểm soát và đối trọng (checks and balances) vốn là nền tảng của nền dân chủ Mỹ. Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ các cơ quan lập pháp, thực thi pháp luật và truyền thông sẽ mất đi tính độc lập và bị lợi dụng cho mục đích chính trị.
"Chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn"
Dựa trên kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (2017-2021), Đại sứ Michaelis nhận định rằng đội ngũ pháp lý của Trump đã dành thời gian dài chuẩn bị các quyết định sẽ được ban hành ngay từ ngày đầu tiên nắm quyền.
Họ "sẵn sàng khai thác các kẽ hở pháp lý" và tận dụng các quyền hạn mở rộng mà Tòa án Tối cao đã trao cho vị trí tổng thống. Đáng chú ý, đa số đảng Cộng hòa tại Quốc hội "dường như sẵn sàng chấp nhận và thích nghi với các can thiệp mới này."
Mối đe dọa đối với trật tự hiến pháp
Báo cáo cảnh báo rằng việc phá bỏ các cấu trúc chính trị và hành chính hiện có, cùng với kế hoạch trả đũa của Trump, về căn bản sẽ dẫn đến việc "định nghĩa lại trật tự hiến pháp."
Bộ Tư pháp và FBI có thể bị biến thành công cụ chính trị, phục vụ các mục tiêu như trục xuất hàng loạt người nhập cư, trả đũa đối thủ và bảo vệ quyền miễn trừ pháp lý cho Trump.
Trong trường hợp xảy ra xung đột với các bang, Trump có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm ban hành các quy định khẩn cấp và thậm chí điều động quân đội thực hiện nhiệm vụ cảnh sát.
Ngoại trưởng Baerbock bảo vệ quan điểm của Đại sứ
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã lên tiếng ủng hộ Đại sứ Michaelis, khẳng định việc đưa ra các cảnh báo này nằm trong trách nhiệm của ông.
Bà nhấn mạnh rằng chính Trump đã công khai tuyên bố những kế hoạch can thiệp vào hệ thống tư pháp và pháp lý trong tương lai. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định Hoa Kỳ vẫn là đối tác quan trọng nhất của Đức.
Lê Hải Yến - Báo Tin Tức Việt Đức