Nước Mỹ đã bắt đầu một kỳ nghỉ mùa đông với con số đáng lo ngại: hơn 2.100 người chết vì COVID-19 chỉ trong ngày 25-11. Con số này được dự báo sẽ tăng trong vài tuần tới khi hàng triệu người đi chơi, thăm thân ở xa.

Đối với nhiều người Mỹ, lễ Tạ ơn có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, là dịp để quây quần bên những người thân yêu vào thời điểm cuối năm. Nhưng đại dịch COVID-19 đã biến truyền thống thăm thân tốt đẹp này thành một dịp mà chính quyền Mỹ phải liên tục lên tiếng can ngăn.

42 1 2100 Nguoi Chet Vi Covid 19 Chi Trong 1 Ngay Nuoc My Lo Lang Trong Le Ta On

Bùng phát vào Giáng sinh

Một loạt báo đài lớn của Mỹ ngày 26-11 dẫn lại thống kê của Đại học John Hopkins cho thấy chỉ trong vòng 24 tiếng của ngày 25-11, nước Mỹ đã có hơn 172.000 ca nhiễm mới và 2.146 ca tử vong. Theo CNN, với số người chết như vậy, 25-11 đã trở thành ngày chết chóc nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay. 

Cũng trong ngày 25-11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố mô hình dự báo đại dịch mới nhất, trong đó cảnh báo tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ sẽ tăng từ 294.000 tới 321.000 người tính đến ngày 19-12.

Nhưng những con số đó không đủ để ngăn cản bước chân của hàng triệu người Mỹ trong dịp lễ Tạ ơn. "Ai cũng chán ngấy chuyện ở nhà suốt 8 tháng qua vì đại dịch rồi. Giờ là lúc người ta sẽ túa ra các sân bay và xa lộ" - chị Cassidy Zerkle, người chuẩn bị bay từ bang Arizona tới Missouri, nói với AP. 

42 2 2100 Nguoi Chet Vi Covid 19 Chi Trong 1 Ngay Nuoc My Lo Lang Trong Le Ta On

Một cặp đôi hôn tạm biệt nhau tại sân bay Los Angeles, bang California ngày 25-11. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã khuyến cáo người dân không đi xa trong dịp lễ Tạ ơn để tránh lây nhiễm - Ảnh: AFP

"Tất cả chúng tôi đều biết rủi ro từ chuyện này, nhưng đây là một rủi ro... đáng giá" - chị Thea Zunick, người đang sống ở New York, nói về quyết định đi máy bay tới Florida thăm mẹ già 90 tuổi.

Theo ước tính của AP, sẽ có từ 900.000 tới 1 triệu người đổ ra các sân bay trên khắp nước Mỹ mỗi ngày trong giai đoạn từ 27-11 đến 1-12. Con số này chưa tính đến các phương tiện giao thông khác như xe lửa.

Đối mặt với làn sóng người đi máy bay ở mức cao nhất từ tháng 3-2020, nhiều sân bay đã trang bị thêm máy quét thân nhiệt, các khu vực cách ly khẩn cấp và bàn lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn chủ quan không đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách ở sân bay khiến những người như chị Zerkle và Zunick cảm thấy "bị đe dọa".

42 3 2100 Nguoi Chet Vi Covid 19 Chi Trong 1 Ngay Nuoc My Lo Lang Trong Le Ta On

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, COVID Tracking Project - Dữ liệu: B.DUY - Đồ họa: TUẤN ANH

"Chúng ta có thể đánh bại con virus này"

Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố là tổng thống đắc cử, ngày 25-11 tiếp tục lên tiếng kêu gọi người dân chú ý đến việc giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn cho bản thân và tránh các cuộc tụ họp đông người trong dịp lễ Tạ ơn. Ông cam kết sẽ đưa mọi thứ sớm trở lại bình thường, đại dịch sẽ qua đi nhưng chỉ khi có sự đoàn kết và ủng hộ từ dân Mỹ. 

"Tôi biết chúng ta có thể đánh bại con virus này", ông Biden nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại quê nhà Delaware.

Theo ông Biden, mỗi người Mỹ đều có thể góp phần vào việc xử lý đại dịch bằng những việc nhỏ nhất là tự giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. 

"Tôi biết đất nước này đã mệt mỏi, nhưng xin đừng quên chúng ta đang trong một cuộc chiến với virus. Cuộc chiến này vẫn còn kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy linh hồn của nước Mỹ được tôi luyện như thế nào qua các thời khắc khó khăn", tổng thống đắc cử khích lệ người Mỹ trong bài phát biểu ngày 25-11.

Nếu chính thức bước vào Nhà Trắng, ông Biden sẽ áp dụng một chiến lược chống dịch quốc gia thay cho chiến lược riêng lẻ ở mỗi bang của người tiền nhiệm, theo AP. Chiến dịch tranh cử của ông Biden trước đó đã kêu gọi Quốc hội phân bổ 25 tỉ USD để bảo đảm mỗi người Mỹ đều được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 hiệu quả.

Bác sĩ lo bệnh viện vỡ trận

Theo Đài CNN, các bác sĩ và quan chức y tế công cộng ở nhiều bang đang lo lắng hệ thống y tế vỡ trận sau kỳ nghỉ mùa đông năm nay. "Nếu chúng ta không có các biện pháp đúng đắn, tôi lo trong vòng 6 đến 12 tuần sắp tới nước Mỹ sẽ trải qua thời kỳ vô cùng đen tối", bác sĩ Joseph Varon ở Texas không giấu được sự lo ngại với CNN.

Bệnh viện nơi ông Varon làm việc ở Houston hiện đã chật cứng người và vừa phải kê thêm giường để đón các bệnh nhân mới. "Phải chuẩn bị như vậy thôi. Tôi biết sẽ có thêm nhiều người bệnh sau đợt lễ này", bác sĩ Varon giãi bày.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC