Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) ngày 10-4 cho biết cuộc điều tra tiến hành từ tháng 12 năm ngoái chỉ ra Alibaba đã ngăn cản người buôn bán sử dụng các nền tảng thương mại điện tử khác. SAMR khẳng định Alibaba cản trở lưu thông hàng hóa và xâm phạm quyền lợi kinh doanh, từ đó vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc.
Mức phạt nói trên tương đương 4% doanh thu của Alibaba trong năm 2019 và cao gấp đôi mức 975 triệu USD mà Qualcomm, hãng cung cấp chip điện thoại di động lớn nhất thế giới của Mỹ, nộp ở Trung Quốc vào năm 2015 vì các hoạt động phản cạnh tranh.
Thông cáo của Alibaba nêu rõ họ "chấp nhận" và sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến trong ngày 12-4 để có kế hoạch thực thi án phạt.
Đế chế kinh doanh của tỉ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, bị giám sát chặt chẽ sau khi có thông tin ông Ma chỉ trích cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc vào cuối tháng 10-2020. Đến tháng 11 cùng năm, cơ quan chức năng đột ngột tạm ngưng kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỉ USD của tập đoàn Ant, nhánh tài chính của Alibaba.
Một văn phòng của Tập đoàn Alibaba tại Bắc Kinh - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Mấy tháng gần đây, theo kênh CNBC (Mỹ), Trung Quốc tăng cường kiểm soát các tập đoàn công nghệ khổng lồ trong nước, đặc biệt là trong mảng tài chính. "Mức phạt đối với Alibaba có thể xem là mốc chuẩn và các công ty khác cũng có nguy cơ bị phạt" - ông Louis Tse, Giám đốc điều hành Công ty Wealthy Securities (Hồng Kông), nhận định.
Sức nóng phả lên các "big tech" Trung Quốc ngày càng hầm hập sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty internet, trấn áp hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn huy động vốn bừa bãi.
Cũng trong tháng 3, SAMR phạt 12 công ty liên quan đến 10 thỏa thuận vi phạm quy định chống độc quyền, với mức phạt 500.000 nhân dân tệ (77.000 USD) mỗi công ty - trong đó có các tên tuổi Baidu, Tencent, Didi Chuxing, SoftBank và một doanh nghiệp do ByteDance hậu thuẫn.
Tình hình căng thẳng đến mức, theo Reuters, các "big tech" phải tăng cường tuyển dụng chuyên gia luật, đồng thời lập ngân sách dành cho các khoản phạt tiềm tàng.
Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn tiếp theo vào tầm ngắm có thể là Tencent, với đế chế tài chính trị giá hơn 100 tỉ USD. Siêu ứng dụng WeChat của Tencent "đáp ứng mọi nhu cầu", từ tán gẫu, đặt xe đến các dịch vụ chi trả.
Cũng như Ant, Tencent có khả năng bị yêu cầu thành lập một công ty tài chính riêng để quản lý mảng ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ chi trả của mình. Sau thông tin được tiết lộ vào tháng 3 trên, Tencent mất hơn 65 tỉ USD giá trị trong vòng 2 ngày.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, công ty nghiên cứu eMarketer (Mỹ) ước tính mua sắm qua mạng sẽ chiếm hơn 50% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm nay - nước đầu tiên trên thế giới chạm mốc này. Do đó, không có gì khó hiểu khi Alibaba, JD.com và Pinduoduo - bộ ba thống trị mảng này - được "ưu ái" giám sát các hành vi như dàn xếp hợp đồng độc quyền, định giá để bán phá giá…
Nhiều tên tuổi thống trị các lĩnh vực khác cũng không thoát, bao gồm ByteDance với ứng dụng tin tức Toutiao và nền tảng Douyin Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok); Meituan của dịch vụ giao thức ăn; DiDi Chuxing trong mảng đặt xe công nghệ…
Nỗ lực khống chế các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc trùng khớp với việc nhiều nước trên toàn cầu muốn kiểm soát "big tech", như Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc… xung đột với Twitter, Facebook, Google… Chuyên gia Chen Xi của Trường Giao thông Tây An (Trung Quốc) chỉ ra sự thống trị của các "big tech" có thể cản trở đổi mới, hạn chế tạo ra việc làm, đồng thời gây trở ngại cho sự hồi phục kinh tế toàn cầu. |
Hải Ngọc
Nguồn: nld.com.vn