Ảnh minh họa: AP.
Kỳ vọng xen lẫn hoang mang là tâm lý chung của nhiều người dân Anh vào thời điểm hiện nay. Không có bất kỳ sự gián đoạn hay hỗn loạn nào ngay lập tức, song đối với họ tương lai vẫn là một ẩn số.
Nhiều người dân Anh chia sẻ:
“Rất vui vì giờ đây Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu. Chúng tôi đã có thể kiểm soát được số phận của mình và không phải trả tiền cho Liên minh châu Âu nữa”.
“Tôi cảm thấy đó là một ngày buồn. Đó không phải là những gì chúng tôi đã bỏ phiếu. Tuy nhiên đây là một nền dân chủ và chúng ta phải tôn trọng các quy tắc”.
Đây là tâm lý chung, kỳ vọng, xen lẫn hoang mang của đa số người dân Anh lúc này khi chính thức không còn là thành viên của Liên minh châu Âu. Đã không có sự hỗn loạn nào xảy ra sau khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc và những quy định của Liên minh châu Âu nhường chỗ cho những thỏa thuận về đi lại, thương mại, nhập cư, hợp tác an ninh. Getlink - nhà điều hành đường hầm xuyên biển Manche ghi nhận, đêm qua (1/1), gần 200 xe tải đã đi qua đường hầm này mà không gặp bất kỳ khó khăn nào mặc dù thủ tục hải quan đã được khôi phục.
Phát biểu trong ngày đầu tiên của Năm mới, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết về một năm của sự thay đổi và hi vọng, 4 năm rưỡi sau cuộc trưng cầu ý dân gây chia rẽ nước Anh: “Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước này. Chúng ta có quyền tự do trong tay và việc tận dụng tối đa nó là tùy thuộc vào chúng ta. Tôi tin, bản năng bao trùm của người dân đất nước này khi cùng nhau trở thành một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh là cùng nhau làm việc để thể hiện các giá trị của chúng ta trên toàn thế giới. Anh sẽ là một quốc gia mở cửa, hào phóng, hướng ngoại, theo chủ nghĩa quốc tế và thương mại tự do".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, nếu như thỏa thuận ngày Giáng sinh giúp Anh đạt được một mối quan hệ thương mại phi hạn ngạch và phi thuế quan với Liên minh châu Âu, đồng thời tránh được kịch bản “không thỏa thuận” tồi tệ nhất, thì biến động là điều gần như chắc chắn và sẽ sớm được cảm nhận ngay trong những ngày tới và tuần tới.
Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng đồng nghĩa với việc rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, đồng nghĩa với việc di chuyển tự do hàng hóa và con người qua biên giới chấm dứt, ngoại trừ giữa Tây Ban Nha và vùng Gibraltar thuộc Anh, cũng như giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Người đứng đầu chính phủ Anh cũng phải nỗ lực để sang trang một giai đoạn đầy sóng gió của nước này, một mặt giúp đưa ông lên đỉnh cao về mặt chính trị, song mặt khác lại cũng gây chia rẽ nước Anh nhất. Sự thống nhất của Anh đã bị rạn nứt, đặc biệt là ở phía Scotland, vốn đa số đã bỏ phiếu giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 và đang nuôi ý định tách khỏi Vương quốc Anh.
Năm 2021 rất có ý nghĩa với Anh, khi nước này vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất (G7) và là nước chủ nhà Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 26 về biến đổi khí hậu. Anh cũng đã ký thỏa thuận thương mại với khoảng 60 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, song lại thỏa thuận tham vọng nhất với Mỹ lại được dự báo “không xuôi chèo mát mái” khi Mỹ có Tổng thống mới vào ngày 20/1 tới. Và trước mắt, Anh vẫn là một trong những nước chịu tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19, với hơn 73.500 ca tử vong và phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ./.
Nguồn: Thu Hoài/VOV1