Tiêm phòng COVID-19 bằng vaccine AstraZeneca tại Rome, Italy. Ảnh: Reuters
Ngày 14/3, thêm Ireland và miền bắc Italy gia nhập danh sách ngày càng tăng các khu vực đình chỉ sử dụng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca vì lo ngại tác dụng phụ nghiêm trọng từ hai mũi tiêm.
Sự cố máu đông cục
Theo Bloomberg, mặc dù Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định không có dấu hiệu của bất kỳ vấn đề mất an toàn nào, các báo cáo về tình trạng máu đông cục nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca đã dẫn đến một loạt quyết định đình chỉ ở nhiều vùng và quốc gia.
Mối lo ngại về an toàn vaccine đã nổi lên trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục gặp khó khăn. Những nỗ lực của AstraZeneca nhằm bù đắp thiếu hụt tại Liên minh châu Âu (EU) bằng cách tìm nguồn cung cấp ở những nơi khác đã gặp phải rào chắn khi các chính phủ trên thế giới đều kiên quyết bảo vệ nguồn cung cấp của nước họ.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14/3, Astra tuyên bố trên 17 triệu liều vaccine của công ty đã được sử dụng tại Liên minh châu Âu và Anh, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy vaccine này làm gia tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối (máu đông cục) tĩnh mạch sâu hay giảm tiểu cầu.
Tới ngày 8/3, có 15 sự cố huyết khối tĩnh mạch sâu và 22 trường hợp bị thuyên tắc phổi xảy ra ở những người tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, Giám đốc Y tế của AstraZeneca Ann Taylor cho rằng, số lượng các vụ việc nói trên thấp hơn con số tự nhiên xảy ra trong một lượng dân số có cùng quy mô.
Bất chấp điều đó, những sự cố máu đông cục ở người tiêm vaccine vẫn đẩy AstraZeneca vào tâm bão dư luận ở châu Âu, nhiều tuần sau khi vấn đề chậm trễ sản xuất và cung ứng vaccine của công ty này đã kéo hai bên vào căng thẳng.
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: Reuters
Châu Âu đang đi sau
Trong khi đó, EU đang tụt hậu đằng sau Anh và Mỹ trong chương trình tiêm chủng COVID-19, gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị với các nhà lãnh đạo của khối.
Ngoài tình trạng công suất vaccine thấp hơn kế hoạch, một nhà máy của AstraZeneca tại Hà Lan vẫn đang phải chờ đợi cấp phép để triển khai phân phối. Nhà máy này, vốn thuộc sở hữu của công ty dược Halix, đang chế tạo các nguyên liệu vaccine cho AstraZeneca và tạo thành một phần của cả chuỗi cung ứng cho Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh.
Một loạt rắc rối khiến AstraZeneca sẽ chỉ có thể chuyển giao khoảng 100 triệu liều vaccine cho EU trong nửa đầu năm nay, tức chỉ bằng 1/3 con số đã lên kế hoạch ban đầu. 30 triệu liều vaccine AstraZeneca dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối quý 1 này, và số còn lại được giao trong 3 tháng tiếp theo.
Italy đã phản ứng bằng những hành động trực tiếp, ban hành lệnh ngăn cản AstraZeneca xuất khẩu lô hàng vaccine sản xuất tại nước này sang Australia. Thủ tướng Italy, Mario Draghi hôm 12/3 đã ám chỉ rằng ông sẽ lại làm điều đó nếu cần thiết.
“Liên minh châu Âu đã có những cam kết rõ ràng với các công ty dược, và chúng tôi mong chúng sẽ được tôn trọng”, ông Draghi nói. “Chúng tôi đã ra một số quyết định mạnh mẽ chống lại những công ty đã trì hoãn giao hàng và sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Những diễn biến mới nhất càng gây thêm tâm lý e ngại với việc sử dụng vaccine Astra ở châu Âu, vốn đã gặp phải vấn đề từ những tuần gần đây về hiệu quả sử dụng khác nhau với người cao tuổi. Một số quốc gia đã phải hạn chế sử dụng vaccine Astra chỉ với những người dưới 65 tuổi
AstraZeneca liên tiếp hứng chịu những lùm xùm ở châu Âu liên quan đến vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Reuters
Niềm tin vaccine
Hiện nay, một số lượng lớn người dân châu Âu đang mong muốn có vaccine thay thế cho AstraZeneca.
Theo cuộc thăm dò dư luận ngày 7/3 của YouGo, đánh giá của các nước châu Âu về an toàn từ tiêm vaccine COVID của Astra/Oxford thấp hơn so với các loại vaccine khác của Pfizer/BioNTech và Moderna. Trong khi đó, người Anh lại coi vaccine Astra là an toàn nhất trong số ba loại vaccine kể trên. Tới nay, Vương quốc Anh đã sử dụng hơn 25 triệu liều vaccine - một phần khá lớn trong số đó là của Astra - mà không có bất kỳ cảnh báo nào về tình trạng máu đông cục.
Việc đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca có thể đổ thêm các quan điểm tiêu cực trong cộng đồng, bất chấp hướng dẫn từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Hướng dẫn từ EMA đã không đủ thuyết phục Ireland tiếp tục sử dụng vaccine Astra và Bộ trưởng Y tế nước này hôm 14/3 đã khuyến nghị tạm dừng tiêm.
Bên cạnh đó, tâm lý ủng hộ vaccine AstraZeneca ở các nước đang phát triển, nơi vaccine này có lợi thế là giá tương đối thấp và khả năng bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, cũng có thể bị ảnh hưởng.
AstraZeneca đã cam kết cung cấp đáng kể cho chương trình Covax, cơ sở nhằm phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới do Tổ chức Y tế Thế giới điều phối.
Thu Hằng
Nguồn: baotintuc.vn