Trung Quốc cho biết sẽ "đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ" nếu Úc không đảo ngược quyết định hủy bỏ hai thỏa thuận liên quan Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 22-4 cho biết sẽ "đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ" nếu Úc không đảo ngược quyết định hủy bỏ hai thỏa thuận của bang Victoria liên quan Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Úc nói rằng họ muốn mở rộng hợp tác với Trung Quốc và tăng cường đối thoại cấp cao, nhưng họ nói một đằng và làm một nẻo”.

“Hành động của Úc lần này một lần nữa cho thấy họ không có thành ý muốn cải thiện quan hệ Trung Quốc - Úc" - ông Uông nói, thúc giục Canberra ‘’ngay lập tức hủy bỏ quyết định không chính xác của mình".

42 1 Bac Kinh Phan Ung Gat Viec Uc Dut Khoi Vanh Dai   Con Duong

Bắc Kinh phản ứng 'gắt' việc Úc dứt khỏi Vành đai - Con đường. Ảnh: SCMP

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton hôm 22-4 cho biết các đối ngoại là một vấn đề đối với chính phủ liên bang và Canberra lo ngại việc “chính quyền các bang bắt tay với Trung Quốc, vốn đi ngược lại lợi ích quốc gia” của nước này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc hôm 21-4 đã bày tỏ “sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối” đối với “động thái vô lý và khiêu khích” của Úc.

“Điều này chắc chắn sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính nước này” – một người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cho biết.

Trước đó, Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 21-4 đã hủy bỏ hai thỏa thuận mà chính quyền bang Victoria đã ký kết với Trung Quốc với lý do "không phù hợp hoặc gây bất lợi cho chính sách đối ngoại của Úc".

Tháng 12-2020, Quốc hội Úc đã ban hành đạo luật Quan hệ Đối ngoại, cho phép chính phủ hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận giữa chính quyền các bang và nước ngoài, nếu bị xem là “không phù hợp với chính sách đối ngoại liên bang”.

Theo đạo luật, ngoại trưởng Úc có quyền hủy bỏ các thỏa thuận mới hoặc đã ký giữa chính phủ nước ngoài với chính quyền tám bang và vùng lãnh thổ của Úc, cũng như với các cơ quan, tổ chức như chính quyền địa phương và các đại học.

Trong vòng sáu tháng kể từ khi đạo luật có hiệu lực, các bang, vùng lãnh thổ, hội đồng địa phương và trường đại học phải thông báo cho chính phủ liên bang về mọi thỏa thuận với nước ngoài.

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - kế hoạch nhằm thúc đẩy liên kết giữa các quốc gia và thương mại thông qua việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng – bị chỉ trích là một công cụ có thể khiến các quốc gia tham gia sáng kiến rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc này.

Quyết định của Canberra được công bố trong bối cảnh quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang "tuột dốc", nhất là các căng thẳng thương mại và vấn đề tranh giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Úc là một trong những nước tích cực ủng hộ cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19, cũng như đang gia tăng hợp tác quân sự với Mỹ để đối phó các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Canberra còn cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia chương trình mạng 5G tại Úc.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng sức ép thương mại, hạn chế hoặc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng quan trọng của Úc như thịt bò, đồng, lúa mạch, rượu vang... Trung Quốc cũng đang tăng cường ảnh hưởng của mình tại các quốc đảo nhỏ bé "láng giềng" của Úc ở khu vực nam Thái Bình Dương.

Xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm khoảng 2% xuống mức 112,3 tỉ USD, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Úc cùng kỳ giảm 61%. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 80% nguồn quặng sắt của Úc, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung của Bắc Kinh.

Hòa Đặng

Nguồn: plo.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC