Biển quảng cáo các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở quận Gangnam ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: CNN
Phóng sự điều tra của Đài CNN cho biết không phải tất cả các phẫu thuật do các "bác sĩ ma" thực hiện đều xảy ra biến cố, nhưng theo cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc, từ năm 2016 đến 2020 đã có 226 người bị thương, bị tác dụng phụ, phải phẫu thuật lại hoặc tử vong trong quá trình phẫu thuật.
Cái chết của Dae Hee
Theo CNN, tối một ngày thứ sáu năm 2016, anh Kwon Tae Hoon bất ngờ nhận được cuộc gọi, đề nghị đến bệnh viện vì em trai đang phải cấp cứu nhưng tình hình không quá nghiêm trọng.
Tưởng em bị tai nạn giao thông hay say xỉn đánh nhau, anh Hoon vội đón taxi đến bệnh viện với ý định sẽ "cho em một trận", nhưng đến nơi thì người em trai Kwon Dae Hee, 24 tuổi, đã hôn mê do tai biến sau phẫu thuật gọt cằm để có khuôn mặt V-line (khuôn mặt thuôn nhỏ, hình dáng như chữ V). Bảy tuần sau, Dae Hee qua đời trong bệnh viện.
Gia đình cho biết Dae Hee là nạn nhân của tình trạng "bác sĩ ma", một chiêu hoán đổi bác sĩ khác thực hiện thủ thuật thay cho bác sĩ chính sau khi bệnh nhân đã được gây mê.
Theo CNN, thực hành này bị cấm ở Hàn Quốc, nơi ngành phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỉ USD năm 2020, nhưng do các quy định còn nhiều kẽ hở, các cơ sở thẩm mỹ vẫn lách luật. Bác sĩ chính đôi khi phải tiến hành đồng thời nhiều ca phẫu thuật, do đó họ phải dựa vào những người thay thế, có thể là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phụ, nha sĩ, y tá để đảm nhận một số công việc.
Theo luật ở Hàn Quốc, nếu một ai đó thực hiện một can thiệp y khoa mà không có giấy phép hành nghề, người đó sẽ bị phạt 5 năm tù hoặc phạt tiền đến 44.000 USD.
Trường hợp một bác sĩ có chứng chỉ phẫu thuật thay cho người khác, họ vẫn bị khởi tố với tội gây nguy hiểm hoặc gian lận.
Tuy nhiên, tội phạm này rất khó chứng minh, vì nhiều bác sĩ thay thế không ghi lại các công việc họ đã làm và nhiều phòng thẩm mỹ không có camera quan sát. Ngay cả khi các vụ án được đưa ra tòa, mức phạt cũng không nặng, nên đã dung túng kiểu làm việc "treo đầu dê bán thịt chó" này của các cơ sở thẩm mỹ.
Bà Lee Na Geum, mẹ của Dae Hee, cho biết con trai mình là nạn nhân của nạn "bác sĩ ma" ở Hàn Quốc - Ảnh: CNN
Bà Lee Na Geum, mẹ của Dae Hee, cho biết mình đã xem băng ghi hình trong phòng mổ của con trai khoảng 500 lần. Lúc 12h56, Dae Hee được bác sĩ gọt cằm, có ba y tá trong phòng. Sau một tiếng, bác sĩ phẫu thuật rời đi. Một bác sĩ khác vào phòng và người này cũng rời đi sau đó. Trong vòng 30 phút, không hề có bác sĩ nào trong phòng, chỉ có các y tá.
Bác sĩ đầu tiên, người được Dae Hee tin tưởng, đã không hoàn thành ca phẫu thuật, mà phần lớn công việc do bác sĩ thứ hai, một bác sĩ đa khoa không có bằng phẫu thuật thẩm mỹ và mới tốt nghiệp, thực hiện.
Ca phẫu thuật hoàn thành lúc 16h17, tổng thời gian hơn 3 tiếng. Theo các chuyên gia trong ngành, các ca phẫu thuật gọt cằm bình thường chỉ cần khoảng 1 giờ 30 phút nếu do một bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện.
Sau ca phẫu thuật, cả hai bác sĩ của Dae Hee đều về nhà, để cho các y tá xử lý tình trạng mất máu của anh. Trong lúc anh Dae Hee vẫn chảy máu, các y tá giặm lại lớp trang điểm, xem điện thoại. Họ lau máu trên sàn tất cả 13 lần và một chuyên gia y tế được mời đánh giá đoạn băng cho biết bệnh nhân có thể đã mất lượng máu gấp 3 lần kết luận của các bác sĩ.
Kwon Dae Hee mất năm 24 tuổi vì tin tưởng người bác sĩ chính - Ảnh: CNN
Thiếu quy định chặt chẽ
Hàn Quốc cho phép phẫu thuật thẩm mỹ như một hoạt động y tế năm 1974, và các bác sĩ buộc phải vượt qua các kỳ thi chuyên môn. Đến năm 2014, các cơ quan quản lý đã biết về hiện tượng "bác sĩ ma".
Năm 2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã yêu cầu Bộ Y tế và phúc lợi siết các quy định, yêu cầu các bác sĩ xác nhận ai thực hiện phẫu thuật và lắp camera quan sát trong các phòng khám.
Một bác sĩ phẫu thuật từng làm cho một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ lớn ở Hàn Quốc kể với CNN, với điều kiện giấu tên, cho biết anh lên tiếng vì không muốn sống với mặc cảm tội lỗi.
Anh thường phẫu thuật thay cho bác sĩ chính. Theo anh, các bác sĩ thay thế ngồi ở tầng hầm, chờ được gọi vào phòng bệnh nhân. Những bác sĩ này không có tên trong danh sách bác sĩ của trung tâm, và trung tâm luôn quảng cáo là các ca phẫu thuật do các bác sĩ nổi tiếng thực hiện.
Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm Hàn Quốc có hàng ngàn du khách đến làm phẫu thuật thẩm mỹ. Theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, riêng ở thủ đô Seoul đã có 561 trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ.
Sử dụng "bác sĩ ma" là cách các trung tâm tối đa lợi nhuận, vì dùng bác sĩ được trả lương thấp bù vào chi phí trả cho những bác sĩ ngôi sao giúp "quảng bá thương hiệu".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online