Trận động đất mạnh 7,4 độ vào sáng 3/4 làm rung chuyển hầu hết hòn đảo Đài Loan. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ các tòa nhà ở thành phố Hoa Liên, nằm gần tâm chấn ngoài khơi phía đông hòn đảo, bị hư hại. Hình ảnh hiện trường cho thấy những tòa nhà không đổ sụp hoàn toàn, mà lún sập một phần và ngả nghiêng, còn kết cấu phía trên vẫn trụ vững.
Thiên tai xảy ra vào buổi sáng, ngay khung giờ cao điểm, song không gây ra tổn thất nghiêm trọng về người. Giới chức Đài Loan ghi nhận 9 người thiệt mạng, hơn 900 người bị thương trong trận động đất mạnh nhất 25 năm qua.
"Đài Loan là một trong những nơi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trên thế giới để ứng phó động đất", Stephen Gao, chuyên gia địa chất tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri của Mỹ, nhận định. "Hòn đảo có quy định xây dựng nghiêm ngặt, thiết lập mạng lưới giám sát địa chất và các chương trình phổ cập kiến thức cho toàn dân về ứng phó động đất ".
Tòa nhà nằm ở góc đường Trung Sơn và Trùng Khánh tại huyện Hoa Liên, phía tây đảo Đài Loan, đổ nghiêng sau trận động đất ngày 3/4. Ảnh: AFP
Đài Loan và vùng biển bao quanh hòn đảo ghi nhận khoảng 2.000 địa chấn mạnh hơn 4 độ và hơn 100 địa chấn mạnh hơn 5,5 độ từ năm 1980 đến nay. Cơ quan Khí tượng Trung ương Đài Loan (CWB) mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 địa chấn ở các cấp độ khác nhau, nhưng phần lớn chấn động không đáng kể và không cảm thấy được ở đất liền.
Giới chức hòn đảo đã siết chặt các quy định xây dựng để sống chung với động đất trong những thập kỷ qua, đặc biệt sau nhiều bài học xương máu vì mất cảnh giác với thiên tai.
Trận động đất Jiji mạnh 7,7 độ vào ngày 21/9/1999 đã cướp đi sinh mạng của 2.400 người, khiến 100.000 người bị thương và hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy. Kể từ đó giới chức hòn đảo đã siết chặt nghiêm ngặt các quy định về xây dựng, buộc mọi công trình kiến trúc phải được thiết kế theo kỹ thuật chống động đất.
Điển hình chính là công trình Tháp Đài Bắc 101 ở thủ phủ hòn đảo, nổi tiếng với con quay hồi chuyển ở những tầng cao nhất của tòa nhà nhằm giảm nguy cơ sụp đổ khi động đất xảy ra. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1999 và hoàn thành vào năm 2004, cao 508 m với 101 tầng.
Con quay hồi chuyển trên Tháp Đài Bắc 101, thành phố Đài Bắc, giúp nâng khả năng chống chọi động đất của công trình. Ảnh: AFP
Tòa nhà được thiết kế với 16 trục thép làm xương sống, bao quanh bởi 8 cột chịu lực vành đai bằng bê tông cốt thép được xây đến tầng 62. Mỗi 8 tầng lầu, tòa nhà lại có một hệ thống khung thép nối giữa "xương sống" và các cột trụ.
Con quay hồi chuyển chống rung được đặt trong khu vực từ tầng 87 đến tầng 92, nặng 660 tấn và đường kính 5,4 m. Trong trường hợp động đất hoặc bão ập đến, công cụ này sẽ giữ cân bằng cho toàn bộ kết cấu. Độ bền bỉ của tháp Đài Bắc 101 đã được kiểm chứng qua những vụ động đất vào năm 2004 và 2022, lần lượt mạnh 3,8 độ và 6,9 độ.
Dù siết chặt quy định xây dựng, thảm kịch vẫn ập đến Đài Loan trong trận động đất vào tháng 2/2016. Tòa chung cư 17 tầng ở ở Đài Nam đổ sụp khiến hơn 100 người chết và hơn 500 người bị thương, mức thương vong lớn nhất kể từ thảm họa Jiji năm 1999.
Cơ quan điều tra sau đó kết luận tòa nhà được xây dựng vào năm 1989 dựa trên các quy định cũ nên không chống động đất. Họ truy cứu trách nhiệm 5 cá nhân tắc trách trong quá trình thiết kế và xây dựng tòa nhà. Kỹ sư và kiến trúc sư đã điều chỉnh thiết kế một số trụ chịu lực của tòa nhà, làm giảm khả năng chống chọi động đất khoảng 16%.
Chung cư 17 tầng tại Đài Nam đổ sập trong trận động đất vào năm 2016. Ảnh: Taiwan Panorama
Đài Loan ngay sau đó phát động chương trình kiểm tra và cải thiện khả năng chống động đất cho công trình xây dựng trên toàn đảo, với gói ngân sách 735 triệu USD trong 6 năm, giai đoạn một ưu tiên kiểm tra các tòa nhà trên 9 tầng và giai đoạn hai là những tòa nhà 6-9 tầng.
Chính quyền trung ương yêu cầu đánh giá lại hơn 34.000 tòa nhà trên toàn hòn đảo và lần đầu tiên buộc giới chủ bất động sản phải cam kết an toàn động đất. Trước đó, cơ quan quản lý xây dựng chỉ phát khuyến nghị trùng tu cho chủ sở hữu các tòa nhà thuộc diện rủi ro. Chủ các toà nhà cũng chủ động kiểm tra và sửa chữa nếu không muốn tài sản rớt giá nặng nề vì bị gán mác ít khả năng chống chọi động đất.
Các công trình được xây trước năm 1970 được xếp vào diện rủi ro sụp đổ cao nhất, tiếp đó là những tòa nhà được xây trong giai đoạn 1970-1999. Chủ nhà được hưởng trợ cấp để chi trả phí kiểm tra khả năng chống chọi động đất. Cơ quan nội vụ của hòn đảo khẳng định 99% công trình công cộng đã đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.
Giới chức Đài Loan khuyến nghị tòa nhà mới xây phải sử dụng thiết kế dàn thép, thay vì chỉ có trụ bê tông cốt thép và phụ thuộc nhiều vào kết cấu nền đất. Họ cũng yêu cầu đơn vị xây dựng và thiết kế quan tâm nhiều hơn đến độ an toàn của các tầng thấp trong tòa nhà và giảm rủi ro sập dây chuyền khi các tầng thấp bị hư hại.
Tòa nhà ở Đài Bắc đổ sụp trong trận động đất Jiji năm 1999. Ảnh: Taiwan Panorama
Tháng 10/2022, cơ quan nội vụ Đài Loan tiếp tục điều chỉnh quy định và hướng dẫn thiết kế xây dựng chống chọi động đất trên hòn đảo. Họ đẩy mạnh kiểm tra các công trình có dấu hiệu cơi nới hoặc xây thêm gác tạm sai thiết kế ban đầu.
Với những tòa nhà thuộc diện rủi ro động đất và đang chờ quy hoạch trùng tu hoặc phá dỡ, chủ sở hữu buộc phải xây thêm cấu trúc chịu lực để tăng an toàn.
Chương trình kiểm tra an toàn được duy trì với tất cả trường học và ký túc xá, mở rộng đến tòa nhà khách sạn, chợ và công trình công cộng. Mọi người dân được khuyến khích trình báo chính quyền nếu có cơ sở để lo ngại về độ an toàn của tòa nhà.
Quy định vào năm 2022 cũng buộc mọi tòa nhà nằm gần các đường đứt gãy địa chất phải được gia cố, tăng khả năng chống chọi động đất 20-30% so với bình diện chung. Cơ quan nội vụ Đài Loan ước tính khuyến nghị này sẽ khiến chủ các tòa nhà trung bình tốn thêm 5% chi phí xây dựng.
"Tuy nhiên, nhà cửa được an toàn luôn quan trọng hơn giá trị bất động sản", Ngô Hân Tu, quan chức phụ trách quy hoạch và xây dựng của Đài Loan, nhấn mạnh trong cuộc họp phổ biến quy định xây dựng vào năm 2022.
Thanh Danh (Theo BBC, AP, LA Times, Taipei Times)
Nguồn: VNEXPRESS.NET