Biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố của Pháp trong ngày 28-11 - Ảnh: AFP
Bộ Nội vụ Pháp ước tính có khoảng 46.000 người đã tham gia biểu tình ở thủ đô Paris ngày 28-11. Tuy nhiên, cuộc tuần hành ôn hòa lúc đầu đã biến thành bạo loạn vào phút cuối.
Một nhóm nhỏ người biểu tình đeo mặt nạ đen đã đập bể kính nhiều cửa hàng, châm lửa đốt các ôtô trên đường và một tòa nhà của Ngân hàng trung ương Pháp.
Cảnh sát đã bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông. Đến tối 28-11, các xe có vòi rồng được điều động để giải tán những nhóm biểu tình còn bám trụ lại trên quảng trường Place de la Bastille.
Các cuộc biểu tình diễn ra gần như trên khắp nước Pháp. Theo mô tả của Hãng tin Reuters, hàng ngàn người đã xuống đường tại Lille, Rennes, Strasbourg và các thành phố khác.
Người biểu tình phóng hỏa một tòa nhà của Ngân hàng trung ương Pháp ở Paris ngày 28-11 - Nguồn: TWITTER
Các cuộc biểu tình bùng phát hồi tuần này sau khi đoạn clip ghi lại cảnh nhà sản xuất âm nhạc da màu Michel Zecler bị cảnh sát Paris đánh đập được tung lên mạng. Sự việc khiến nhiều người tức giận và làm dấy lên lo ngại về một dự luật an ninh mới của Pháp.
Dự luật sẽ coi việc phát tán hình ảnh của các sĩ quan cảnh sát trong một số trường hợp nhất định là phạm tội, điều mà những người phản đối cho rằng sẽ hạn chế quyền tự do báo chí.
Tại Paris, nhiều người biểu tình mang theo các biểu ngữ với những khẩu hiệu như "Ai sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi cảnh sát?", "Chấm dứt bạo lực của cảnh sát" và "Nền dân chủ bị hủy diệt".
Cảnh sát Paris vấp phải sự phản kháng của người biểu tình ngày 28-11 - Nguồn: TWITTER
Theo đài CNN, các liên đoàn nhà báo, tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và một số nhóm hoạt động xã hội khác đang đấu tranh rút bỏ các điều 21, 22 và 24. Các điều luật này quy định sẽ trừng phạt hành vi phổ biến "ác ý" hình ảnh sĩ quan cảnh sát.
Họ cũng kêu gọi chấm dứt một quy định được đưa ra hồi tháng 9, buộc báo chí phải giải tán khỏi các cuộc biểu tình khi có lệnh của cảnh sát. Phía báo chí cho rằng quy định này ngăn cản họ đưa tin hậu quả của các cuộc biểu tình và các hành vi trấn áp mạnh tay của cảnh sát.
Những hình ảnh ông Zecler bị đánh đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và báo chí Pháp cũng như nước ngoài. Tổng thống Emmanuel Macron hôm 27-11 đã gọi những hình ảnh này là điều đáng xấu hổ đối với nước Pháp.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online