Ngay từ tháng 03/2020, khi đại dịch COVID-19 tràn vào Mỹ, tâm lý thù hằn với người châu Á đã xuất hiện ở nước này. Một tổ chức có tên gọi Stop AAPI Hate, đấu tranh chống bài xích người gốc Á tại Mỹ đã ra đời.
Hiện nay trên khắp Hoa Kỳ, có khoảng 21 triệu người gốc Á châu sinh sống, chiếm 5,5% dân số Mỹ. Họ đến từ khoảng hai mươi quốc gia khác nhau.
Theo tổ chức Stop AAPI Hate, người Mỹ gốc Á được báo cáo là nạn nhân của những vụ tấn công kỳ thị ít nhất 500 lần trong hai tháng đầu năm nay, trên tổng số 3.795 đơn khiếu nại nhận được trong vòng một năm vừa qua. 68% trong số này là quấy rối bằng lời nói, 11% liên quan tới các vụ hành hung.
Người Mỹ gốc Á được báo cáo là nạn nhân của những vụ tấn công kỳ thị ít nhất 500 lần trong hai tháng đầu năm nay. (Ảnh: CNN)
Trong những tuần gần đây, thế giới đã được chứng kiến vụ việc sát hại một người nhập cư Thái Lan 87 tuổi Vichar Ratanapakdee cũng như hành động tấn công dã man một người đàn ông 67 tuổi ở San Francisco. Mới đây nhất là sáu phụ nữ gốc Á thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt.
Denny Kim, 27 tuổi, sống tại Koreatown ở Los Angeles, người đã từng bị hành hung, kể lại những kẻ tấn công anh đã hét lên rằng: “Mày mang virus Trung Quốc, hãy quay trở lại Trung Quốc”.
Theo Sở Cảnh sát Thành phố New York, vào năm 2020, đã có 29 vụ tấn công mang động cơ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Mỹ gốc Á ở Thành phố New York, 24 trong số đó được mô tả là có "động cơ virus corona".
Làn sóng bạo lực gia tăng khiến nhiều người nghĩ ngay tới động cơ phân biệt chủng tộc sau khi tin tức về những vụ giết người ở khu vực Atlanta được đưa ra.
COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, tuy nhiên đại dịch lây lan không màng đến sắc tộc, chính trị hay thậm chí là biên giới quốc gia. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản tâm lý coi thường những người châu Á.
Đó là lý do đã có những nỗ lực phản đối việc cựu Tổng thống Donald Trump, các thành viên trong chính quyền của ông và phe đồng minh gán tên cho đại dịch này là “Dịch cúm Trung Quốc” hay "Kung-Flu" (cúm Tàu) trên phương tiện truyền thông cánh hữu. Vấn đề không phải là sự đúng đắn về mặt chính trị, đó là nhận thức về những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra.
Những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc và kêu gọi sự đoàn kết trên toàn nước Mỹ ở Chicago. (Ảnh: AP)
Đã có những phát ngôn cực đoan dẫn đến bạo lực trước đây. Vụ xả súng ở El Paso, giết chết 22 người và làm bị thương 24 người khác đang mua sắm tại một cửa hàng Walmart năm 2019, là một ví dụ. Hung thủ là một kẻ ủng hộ tư tưởng "Người da trắng thượng đẳng". Trước khi nổ súng, y đã đăng tải trực tuyến một bản tuyên bố về tư tưởng chống người nhập cư trên một diễn đàn trực tuyến thường được các đối tượng cực đoan sử dụng, và nói rằng vụ tấn công tại El Paso là "một phản ứng trước sự xâm chiếm của cộng đồng Hispanic tại Texas" (chỉ những người gốc Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha).
Rất nhiều điều chưa biết về kẻ xả súng tại các tiệm spa ở Atlanta bị cáo buộc vừa qua, động cơ của hắn ta rất khó đoán. Người này tự nhận mình mắc chứng “nghiện tình dục” và muốn loại bỏ mọi cám dỗ chứ không phải do sự kỳ thị chủng tộc.
Tuy nhiên, không có lửa không có khói, bạo lực không thể nảy sinh nếu không được châm ngòi. Không khí hận thù đối với người nhập cư và người châu Á ngày càng gia tăng trong xã hội Mỹ, đặc biệt những tháng gần đây.
Theo một phân tích của Liên đoàn Chống phỉ báng tại Hoa Kỳ (ADL), sự thù địch chống người Mỹ gốc Á và các thuyết âm mưu đã tăng vọt tới 85% trên Twitter trong 12 giờ sau “chẩn đoán” COVID-19 của cựu Tổng thống Donald Trump.
“Hate speech” - những phát ngôn mang tính thù hận là một vấn đề nghiêm trọng đang gia tăng tại Hoa Kỳ. Một báo cáo mới từ ADL cho thấy tuyên truyền về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” đã tăng gần gấp đôi vào năm 2020, mức cao nhất từng ghi nhận được.
Văn phòng Tình báo Quốc gia tại Mỹ đã công bố đánh giá về mối nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan dẫn tới bạo lực ở quốc gia này, trong đó Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã mô tả như một "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ. Báo cáo nhấn mạnh những thách thức cụ thể khi phải đối đầu với những kẻ hành động riêng lẻ - đối tượng mà ông Mayorkas cho rằng luôn “sẵn sàng tiếp nhận những ý thức hệ cực đoan và thực thi chúng theo những cách bất hợp pháp và sử dụng bạo lực”. Những mối đe dọa này không phải là mới đối với Mỹ nhưng chúng đang một lần nữa gia tăng.
Mỹ là đất nước của những người nhập cư, là quốc gia rộng lớn và đa dạng nhất trên thế giới. Các nghiên cứu chỉ ra rằng số người nhập cư bắt đầu kinh doanh trên đất Mỹ còn nhiều hơn người Mỹ bản địa và một phần ba giải Nobel dành cho người Mỹ trong lĩnh vực khoa học đã được trao cho người nhập cư. Người Mỹ gốc Á không chỉ là nhóm nhập cư phát triển nhanh nhất tại quốc gia này mà tỷ lệ có bằng đại học và thu nhập còn cao hơn dân bản địa nói chung.
Người Mỹ gốc Á từ lâu đã là một mảnh ghép trong “bức khảm văn hoá” Hoa Kỳ, tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên họ trải qua những giai đoạn phân biệt đối xử sâu sắc. Một minh chứng rõ ràng nhất là Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc nổi tiếng đã hệ thống hoá sự phân biệt chống lại người châu Á vào năm 1882, ngăn cản những người gốc Hoa nhập cảnh vào Mỹ. Nó bị bãi bỏ vào năm 1942 - gần thời điểm mà Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thành lập các trại giam giữ người Mỹ gốc Nhật.
Đây là một mặt tối trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng nó cần được ghi nhớ để không phải lặp lại lần nữa.
Sự phân biệt đối xử không định nghĩa một quốc gia. Một thập kỷ sau sự kiện thành lập các trại giam giữ, Mỹ có Thượng nghị sĩ gốc Á đầu tiên, ông Hiram Fong, con trai của những người nhập cư Trung Quốc tại Hawaii. Daniel Inouye, Thượng nghị sĩ gốc Nhật cũng được nhậm chức vài năm sau đó. Ông thuộc Bộ binh 422 đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và làm việc tại Thượng viện trong nửa thế kỷ.
Thủ phạm vụ xả súng Atlanta - kẻ đã giết chết 6 người phụ nữ gốc Á vì cho rằng họ đã gây ra chứng nghiện tình dục của mình.
Một cam kết cơ bản về sự hài hòa và bình đẳng theo luật pháp là truyền thống xuyên suốt tại Mỹ từ trước tới nay, đã mang lại những tiến bộ nhất định. Như nhà lãnh đạo nhân quyền người Mỹ gốc Phi Frederick Douglass, trong một bài diễn văn năm 1869, đã lên tiếng bảo vệ người Mỹ gốc Á đang bị tấn công vì phân biệt đối xử.
Douglass muốn nước Mỹ “không chỉ là nhà của người da màu, người gốc Mỹ Latin, mà còn là nơi trú ngụ an toàn của người châu Á”. Ông cho rằng: "Nhân quyền thực sự tồn tại. Chúng không dựa trên nền tảng vốn có, nhưng vĩnh cửu, phổ quát và không thể bị tước bỏ".
Đối mặt với những thành kiến và bạo lực trong thời điểm hiện nay không chỉ là nỗi sợ. Cam kết về quyền bình đẳng theo luật pháp là tất cả những gì cần thiết để thừa nhận sự bất công trong xã hội và là cơ sở để đưa quốc gia hướng tới một con đường khác - phù hợp hơn với lý tưởng Mỹ.
PHAN SƯƠNG (Theo CNN)
Nguồn: vtc.vn